Vụ được BHYT chi trả hơn 1,6 tỷ đồng:“Bảo hiểm y tế đã cứu cuộc đời tôi”
(Dân trí) - Nhắc lại ca phẫu thuật cắt bỏ 2% phần hoại tử, cấy ghép lại da cổ tay do biến chứng bệnh máu khó đông Hemophilia, cũng như hơn 2 tháng ròng điều trị tại bệnh viện với tổng chi phí lên đến hơn 1,6 tỷ đồng, anh Đặng Tuấn Dũng (trú tổ dân phố 4, phường Bắc Hà, Thành phố Hà Tĩnh) nói nếu khôngcó điều tuyệt diệu đến từ bảo hiểm y tế, hẳn anh khó lòng sống được đến hôm nay.
Chúng tôi đến thăm anh Đặng Tuấn Dũng, tổ dân phố 4, phường Bắc Hà, Thành phố Hà Tĩnh một ngày đông. Nhìn căn nhà xây ai cũng nghĩ cuộc sống gia đình anh phải khá giả lắm, nhưng không phải vậy. Sinh được 3 người con, bố mẹ anh Dũng đã thực sự kiệt quệ, nhiều năm nay là hộ nghèo trong tổ dân phố.
Nguyên nhân chính là bố mẹ anh Dũng đã phải dành tất cả tiền bạc để lo chi phí điều trị cho chứng bệnh máu khó đông có tên khoa học là Hemophilia mà anh Dũng được phát hiện ngay từ khi lọt lòng mẹ. Suốt 34 năm qua, năm nào anh Dũng cũng phải nhập viện điều trị chứng bệnh nêu trên.
Đầu năm 2015 này khi đang điều trị ở Viện huyết học - Truyền máu Trung ương, do biến chứng từ chứng bệnh máu khó đông Hemophilia, tay phải anh Dũng đã nổi mụn nhọt. Sau đó rất nhanh cổ tay của anh Dũng cứ bị hoại tử dần.
Vốn sức khỏe đã yếu, gia đình lại nợ nần, kiệt quệ, nên khi Dũng gặp biến chứng của căn bệnh máu khó đông, gia đình anh hết hoang mang, lo lắng.
Anh Dũng sau đó được Viện huyết học - Truyền máu Trung ương chuyển tới Viện bỏng Quốc gia để chữa trị. Từ ngày 6-14/2/2015 anh Dũng đã được Viện bỏng Quốc gia phẫu thuật cắt bỏ 2% phần hoại tử, tiến hành cấy ghép lại da. “Ca phẫu thuật tốn kém lắm. Nằm ngoài khả năng kinh tế của gia đình. Nếu không tham gia bảo hiểm y tế thì em và gia đình không thể nào nghĩ đến ca phẫu thuật ấy”, anh Dũng tiếp chuyện.
Anh Dũng cung cấp những chứng từ liên quan đến ca phẫu thuật tại Viện bỏng quốc gia và chi phí thuốc men điều trị sau phẫu thuật tại Viện huyết học - Truyền máu Trung ương khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Tổng cộng chi phi ca phẫu thuật và hơn 2 tháng nằm điều trị lên đến hơn 1,6 tỷ đồng. Trong số này có những loại thuốc lên đến 23 triệu/lọ, vậy mà anh Dũng phải dùng đến 21 lọ, tương đương hơn 480 triệu đồng.
“Ngay cả 96 triệu tiền thuốc không có danh mục bảo hiểm sau ca phẫu thuật gia đình em cũng phải đi vay nóng, thì số tiền 1,6 tỷ đồng là một con số quá khổng lồ mà nếu không có bảo hiểm y tế chi trả có lẽ không bao giờ gia đình anh lo liệu được để lo cho ca phẫu thuật”, anh Dũng tiếp thêm.
Sau 2,5 tháng liên tục nằm điều trị, anh Dũng đã trở về tiếp tục điều trị tại nhà với bao niềm vui của gia đình. Từ một người thể xác bị hoại tử, sự sống rất mong manh, có thể nói là ngồi đếm ngược ngày từ giã cõi trần, giờ sức khỏe của anh Dũng đã phần nào được cải thiện.
Không chỉ giảm được khó khăn cho gia đình trong việc chăm sóc vệ sinh cá nhân, mà hằng ngày anh Dũng vẫn dành thời gian làm việc thiết kế đồ họa phụ trợ cho một vài công ty để kiếm thêm lo chi phí thuốc men, trang trải phần nào nợ nần. Nụ cười tươi, tia hi vọng về cuộc sống tươi đẹp hơn đã trở lại với người đàn ông bệnh tật này.
Ông Tôn Đức Hải, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh nói rằng, sự ưu việt của bảo hiểm y tế nói riêng và bảo hiểm xã hội nói chung đã mang lại điều kỳ diệu không chỉ đối với người nghèo mà ngay cả người giàu vì nhiều khi gặp bệnh nan y họ trở tay không kịp. Trường hợp như anh Dũng và nhiều trường hợp khác đã được bảo hiểm chi trả khi gặp hoạn nạn, sẽ là những minh chứng rõ nhất cho điều tất yếu mỗi người dân phải mua, đóng bảo hiểm y tế cho mình.
Văn Dũng