Hà Tĩnh:

Vụ dị vật sau 2 năm mổ sỏi thận: Giải trình của gia đình ngược với bệnh viện

(Dân trí) - Sau Công văn phản hồi của BVĐK Hà Tĩnh cho rằng nguyên nhân dị vật sót lại là do lỗi tại bệnh nhân, gia đình và chị Đào Thị Hồng đã có đơn trình bày cụ thể, trái ngược với kết luận này.

Tiếp thư công dân, Dân trí đã quay trở lại gia đình chị Hồng và Trạm Y tế xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc dị vật sót lại, hành hạ bệnh nhân suốt 2 năm, nay cấp cứu mới lấy ra được.
Đơn trình bày của chị Hồng về dị vật sau 2 năm mổ thận
Đơn trình bày của chị Hồng về dị vật sau 2 năm mổ thận
Đơn trình bày của chị Hồng về dị vật sau 2 năm mổ thận

Phải chờ một lúc lâu để chị Hồng đỡ mệt vì vừa truyền thuốc, chúng tôi mới trò chuyện được với bệnh nhân. Vẻ mặt khắc khổ và như chưa hết bàng hoàng, chị Hồng cố gắng kể tường tận: “Vào tháng 7/2010, trong cơn đau dữ dội, người tui thường bị lên từng cơn nóng lạnh. Nghĩ là mình có bệnh nặng nên tui vội lên BVĐK Kỳ Anh khám rồi sau đó xin Giấy giới thiệu chuyển ra BVĐK Hà Tĩnh để tìm rõ nguyên nhân và xin điều trị.

Tại đây, tui được bệnh viện khám và phát hiện mình bị sỏi thận. Tiếp đó được bác sỹ Thiều  trực tiếp mổ, lấy ra được 17 viên sỏi cứng. Sau đó tui được ở lại điều trị khoảng 20 ngày. Nhưng rồi trong người vẫn thấy yếu, đau nhức và thường lên cơn sốt nên được bác sỹ  cho lên tầng 4 khám. Tại đây, tui thấy họ cố gắp một vật gì trong người nhưng không được. Một lúc sau có một nữ y tá tui không biết tên, đi qua hỏi:  “Họ đã lấy được vòi cho chị không?”, tui hỏi cô y tá  “Vòi chi đó chị?” thì cô y tá này đáp lại “Nếu chị không biết thì thôi.. em không biết!”... Ít hôm sau tui lại được một số bác sỹ đến khám và tư vấn rằng: Chị cần chuyển lên tuyến trên, nhưng sau đó không hiểu sao tui lại được bác sỹ Thiều (người trực tiếp mổ - PV) cho ra viện vào ngày 2/8/2010 và còn cho tui số điện thoại riêng và dặn khi nào cần và lúc ra khám thì gọi điện cho tôi cùng với Giấy hẹn sau 1 tháng thì đến khám lại”.
 
Đơn trình bày của chị Hồng về dị vật sau 2 năm mổ thận
Chị Hồng điều trị tại Trạm Y tế xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh) và dị vật lấy ra sau 2 năm mổ sỏi thận ở BVĐK Hà Tĩnh
 
Yên lặng một lúc vì chắc do sức khỏe còn yếu, chị Hồng mới tiếp tục câu chuyện: “Đúng hẹn, sau 1 tháng tui được người nhà đưa trở lại BVĐK Hà Tĩnh. Trước đó cũng như khi đến bệnh viện, tui đã gọi điện thoại nhiều lần theo số máy của bác sỹ Thiều cho nhưng vẫn không liên lạc được. Đến bệnh viện tui trình giấy hẹn ở phòng khám, chờ mãi một hồi lâu vẫn không thấy bác sỹ Thiều và được các nữ y tá cho biết, bác sỹ Thiều không có ở đây nên đã được một chị y tá khám và tiến hành lấy vòi bên hông (ống dẫn lưu thoát dịch - PV). Còn ống nào nữa trong người thì tui cũng như gia đình hoàn toàn không biết gì vì bệnh viện không hề cho biết. Sau đó tui ra về”.

Chị Hồng than vãn với chúng tôi: “Suốt trong 2 năm sau mổ, lúc nào người tui cũng thấy mệt mỏi, thỉnh thoảng lại lên cơn nóng rét, co giật. Trong một lần đi làm thuê ở Hà Nội tui bị đau đã phải vào bệnh viện Hà Đông cấp cứu. Tại đây, qua siêu âm thì họ cho biết, trong người có một ống nhựa dài. Tuy hoảng sợ nhưng vì bán tin bán ngờ lại gặp lúc gia cảnh nghèo khó quá nên khi đỡ đau tui lại xin về nhà tiếp tục tìm kế sinh nhai”.

Cho đến ngày 16/11/2012, chị Hồng thấy trong người quá đau, toàn thân nổi hạch, lên cơn nóng rét, đi tiểu thấy có một cái vòi dài khoảng 6cm  lòi ra  ở vùng kín. Tá hỏa trước hiện tượng kỳ lạ, chị Hồng được người nhà đưa đến trạm y tế xã Kỳ Hoa. Sau khi làm giấy cam kết được bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng tiểu phẩu và lấy ra một đoạn ống nhựa nơi vùng kín ra ngoài dài khoảng 25cm. Bác sỹ Dũng cho biết: “ống cao su đó được đặt từ một lần điều trị trước đó và hiện nay đã bị mục nát, thông thường thì xông dẫn tiểu được rút ra sau 1 đến 2 tháng khi bệnh nhân ổn định”.

Để bảo đảm cho những gì mình trình bày là sự thực, chị Hồng còn khẳng định “chiếc vòi nằm trong bụng tôi hơn 2 năm là do kết quả ca phẫu thuật mổ sỏi thận tại BVĐK Hà Tĩnh, còn từ đó đến nay tôi không tham gia ca phẩu thuật nào”.

Chúng tôi có đề cập đến việc mà Công văn của BVĐK Hà Tĩnh nói: Sau hơn 1 tháng ra viện bệnh nhân có quay lại bệnh viện rút sonde dẫn lưu “nhưng chị Hồng không nhập viện qua phòng khám để được bác sỹ khám và rút sonde dẫn lưu cũng như hẹn lần khác tiếp theo như quy định mà chị nhờ một chị y tá rút sonde dẫn lưu... Sau khi rút sonde dẫn lưu chị về luôn mà không gặp bác sỹ phẫu thuật để được hẹn rút sonde Modelager” thì chị Hồng khẳng định: “Họ nói rứa là hoàn toàn không đúng sự thật. Bởi như trên tui đã kể rồi. Thậm chí bữa đó bác sỹ ở đây còn nói với tui không phải siêu âm chi nữa, chỉ cần đến nơi phòng mổ hôm trước là họ lấy ống ra cho là được”.

Dân trí tiếp xúc với gia đình bệnh nhân Hồng 
Dân trí tiếp xúc với gia đình bệnh nhân Hồng 

Sau khi nghe chị Hồng kể, chúng tôi rời trạm xá Kỳ Hòa tìm đến gia đình bệnh nhân ở xóm 4, xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh) để trực tiếp gặp những người đưa chị Hồng đi mổ cũng như ra tái khám. Tiếp chuyện chúng tôi, anh trai chị Hồng là Đào Văn Hòa người cùng đưa chị Hồng đi mổ kể rành rọt: “Khi chúng tôi gặp bác sỹ Thiều hỏi về tình trạng sức khỏe sau mổ của em tui thì được bác sỹ Thiều nói: Anh cứ cho chị về đi, hiện tai bệnh nhân đã khỏi, tôi cam đoan có vấn đề gì đưa ra đây tôi chịu trách nhiệm điều trị và còn cho số điện thoại liên lạc...”.  

Anh Trần Văn Quang, chồng chị Hồng bức xúc bày tỏ: “Đáng lẽ BVĐK Hà Tĩnh phải có trách nhiệm đối với bệnh nhận sau mổ thận để gia đình biết, có hướng giải quyết, dù nghèo nhưng tôi cũng cố vay mượn bà con anh em để chữa trị cho vợ. Đằng này vì không biết chi nên vợ tui đã phải chịu đau đớn hơn 2 năm qua nên không làm được việc chi cả”. 

Còn chị Đào Thị Thuận - chị gái của chị Hồng, người trực tiếp chăm sóc bênh nhân thì cho biết: “Sau hơn 1 tháng theo hẹn, khi chúng tôi trở lại bệnh viện, nhìn vào trong phòng thì thấy nhiều bác sỹ ngồi đó, có cô y tá ra hỏi chị đi đâu đó. Tôi trình bày là đưa người nhà ra khám theo giấy hẹn thì được cô y tá nói lại phòng có cái bàn  ngồi đó đợi. Sau đó chính cô ấy rút chiếc vòi bên hông và dặn nằm nghỉ tí. Gia đình có hỏi: thủ tục xong chưa thì cô y tá nói: vậy là xong, không phải làm thủ tục giấy tờ gì nữa”. Chị Thuận còn phàn nàn: “Đáng lẽ họ phải tư vấn cho em mình nhưng đằng này lúc ra viện và sau khi ra khám lại họ không hề dặn dò chi cả”. 

Chị còn cho biết thêm: “Sau khi Báo Dân trí đăng bài,  BVĐK Hà Tĩnh có cho người vào đây tiếp xúc tìm hiểu và trao đổi với gia đình. Họ cũng chẳng an ủi bệnh nhân và gia đình chi cả. Tui có nói với họ: May mà em chúng tôi biết được cái vòi lòi ra mà đi cấp cứu. Nếu chẳng may em chúng tôi có mệnh hệ gì thì ai là người chịu trách nhiệm đây?” 

Chúng tôi thiết nghĩ, câu hỏi trên của gia đình chị Hồng cũng là nỗi băn khoăn, bức xúc của bạn đọc và các bệnh nhân không may gặp hoàn cảnh tương tự xin được gửi lời cảnh báo đến những “mẹ hiền” ở BVĐK Hà Tĩnh!

Nhóm PV