Vụ bệnh nhân bị cưa chân: Đúng quy trình nhưng đánh giá... chưa đầy đủ
(Dân trí) - Hội đồng chuyên môn Sở Y tế, TPHCM kết luận việc tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân “đúng quy trình”. Kết luận về việc chẩn đoán lại chỉ ra, bác sĩ “đánh giá chưa đầy đủ tình trạng tổn thương dẫn đến chưa tiên lượng được diễn tiến phức tạp của tổn thương động mạch khoeo”.
“Là tổn thương ít gặp”(?)
Như Dân trí đã thông tin, sau khi nhận đơn của gia đình bệnh nhân Lê Hoàng Lâm (SN: 1989, ngụ tại Long An) khiếu nại về việc bác sĩ bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tắc trách khiến Hoàng Lâm bị đoạn 1/3 dưới đùi phải, PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, TPHCM, đã chỉ đạo lập Hội đồng chuyên môn phân tích các vấn đề liên quan đến việc tiếp nhận, khám, điều trị cho bệnh nhân.
Sáng 18/7, Sở Y tế thành phố đã cung cấp bản kết luận của Hội đồng chuyên môn cấp Sở đến phóng viên. Theo đó, Hội đồng chuyên môn đã xem xét các dữ liệu trên hồ sơ bệnh án, ý kiến của các cán bộ y tế tham gia điều trị cho bệnh nhân Lê Hoàng Lâm tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và tham khảo ý kiến của đại diện bệnh viện Chợ Rẫy.
Hội đồng chuyên môn đã thảo luận và thống nhất kết luận: “Quá trình tiếp nhận, chăm sóc cho bệnh nhân Lê Hoàng Lâm tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình: Đúng quy trình; chẩn đoán, đánh giá chưa đầy đủ tình trạng tổn thương vùng gối dẫn đến chưa tiên lượng được diễn tiến phức tạp của tổn thương động mạch khoeo; điều trị có tích cực khi bệnh diễn tiến nặng”.
Về vấn đề xác định nguyên nhân sai sót chuyên môn trong quá trình chăm sóc, xử trí và điều trị, Hội đồng chuyên môn chỉ ra, bệnh nhân bị: “hoại tử cẳng chân do tắc mạch khoeo, trật khớp gối chấn thương. Nguyên nhân khách quan, đây là trường hợp tổn thương ít gặp, đã được xử trí tại tuyến trước (gây tê, nắn trật khớp gối và cố định) làm các triệu chứng lâm sàng không còn điển hình, thêm vào đó không nhận được giấy chuyển viện từ tuyến trước. Nguyên nhân chủ quan, do kinh nghiệm bác sĩ còn hạn chế trong chẩn đoán và xử trí trường hợp khó.
Bệnh viện phủ nhận việc thách thức gia đình đi kiện
Liên quan đến những nội dung gia đình bệnh nhân Lê Hoàng Lâm gửi đơn thư khiếu nại và trực tiếp phản ánh đến báo Dân trí, sáng 18/7 phía bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã đồng ý tiếp xúc với phóng viên.
Đại diện bệnh viện là ông Trương Trí Hữu, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng đã cung cấp một biên bản (lập vào ngày 30/6) với nội dung thỏa thuận các điều khoản liên quan đến việc hỗ trợ viện phí, chi phí lắp đặt chân giả và hướng nghiệp cho người bệnh. Tuy nhiên, theo đúng nội dụng gia đình phản ánh, tất cả các điều khoản liên quan đến thỏa thuận hỗ trợ đều không cụ thể chi phí.
Gia đình bệnh nhân cho rằng sự tắc trách của bác sĩ Chí Kđã khiến con họ bị cưa chân
Về việc tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Lê Hoàng Lâm, ông Hữu cho hay: “Lúc 23h ngày 21/6 bệnh nhân nhập viện và được BS Trần Chí Khôi (bác sĩ điều trị khoa Chi dưới) tiếp nhận, khám, chụp X-quang. BS Chí Khôi chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương phần mềm gối phải. Bác sĩ đã mang nẹp cho bệnh nhân, kê toa thuốc, dặn dò rồi cho về”. Ông Hữu cũng khẳng định: “Ngoài khám và chụp X-quang BS Chí Khôi không có chỉ định kiểm tra nào thêm”.
Khi trở lại bệnh viện lần thứ 2 vào lúc 3h sáng ngày 24/7, bệnh nhân đã được BS Nguyễn Văn An, thành viên tua trực khoa Vi phẫu và BS Lê Đăng Thạch, Trưởng tua trực kiểm tra và chẩn đoán: “bệnh nhân bị chấn thương gối phải; có tổn thương động mạch khoeo”. Xác định “đây là ca khó điều trị” nên bệnh viện đã chuyển bệnh nhân qua Chợ Rẫy.
Cũng theo ông Hữu: “Ngày 27/6, cha và mẹ của bệnh nhân đã đến bệnh viện gửi tờ trình về việc bệnh nhân Lê Hoàng Lâm bị cắt cụt chân. Bệnh viện đã tiến hành họp nhanh các khoa phòng và cử đại diện đến thăm hỏi. Bên cạnh đó, Ban giám đốc bệnh viện đã mời bệnh nhân đến giải thích, an ủi, thỏa thuận hỗ trợ kinh phí nằm viện kèm chi phí lắp chân giả, vận động tổ chức xã hội hỗ trợ hướng nghiệp”.
Phản hồi trước việc cha mẹ bệnh nhân “tố” bệnh viện “trở mặt” và “tố” ông Nguyễn Tiến Linh, Phó giám đốc bệnh viện cùng ông Nguyễn Hòa Khánh, Phó phòng Quản lý Chất lượng thách thức người nhà đi kiện, ông Hữu cho biết: “Qua xác minh, phía bệnh viện không có ai buông lời thách thức gia đình bệnh nhân”.
Còn Trưởng phòng Quản lý Chất lượng cũng khẳng định: “Bệnh viện đang chờ Sở Y tế gửi bản kết luận chính thức của Hội đồng chuyên môn. Bệnh viện sẽ công khai xử lý theo quy chế nếu có sai phạm”.
Trong bài viết “Quy trình theo dõi chấn thương cẳng chân” đã đăng trên Dân trí, TS.BS Trần Bá Thoại - Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam chỉ ra: Để nhanh chóng, tránh sai sót khi khám, điều trị một chấn thương cẳng chân, thầy thuốc cần tuân thủ quy trình kiểm tra sau:
1. Tổn thương xương, có thể gãy một hay cả hai xương, gãy đơn giản như: gãy đôi ngang, gãy chéo hay gãy phức tạp: gãy nhiều mảnh, nhiều tầng.
2. Tổn thương phần mềm.
3. Tổn thương mạch, thần kinh.
4. Biến chứng cấp, tức thì như sốc chấn thương, mất máu do xuất huyết, chèn ép mạch máu và chèn ép khoang. Do đó, cần khám kỹ mạch ở mu chân, đánh giá mức độ phù nề cẳng chân, khám cảm giác và vận động các ngón. Hết sức lưu ý các nốt bỏng nước, biểu hiện sự trầm trọng của biến chứng chèn ép khoang.
5. Biến chứng sớm như nhiễm khuẩn, hoại thư, loạn dưỡng, sưng nề, nổi nốt bỏng nước, vân tím trên da.
Trong chấn thương cẳng chân, dù có gãy xương hay không, biến chứng chèn ép khoang rất hay gặp, đây là nguyên nhân gây hoại tử phải cắt bỏ chân nếu y tế bỏ sót khi kiểm tra chấn thương. Trong những câu chuyện đau lòng phải cắt cụt chi vừa qua, chắc chắn là do sao nhãng, thiếu tập trung, không theo đúng “quy trình” y tế chứ không phải là do thiếu kiến thức hay trình độ chuyên môn kém.
Vân Sơn