Vụ bé trai tử vong sau tiểu phẫu: Giải phẫu tử thi tìm nguyên nhân
(Dân trí) - Báo cáo nhanh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước gửi đến Sở Y tế không đề cập đến phương pháp vô cảm trước phẫu thuật. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Thành phố Đồng Xoài đã thụ lý vụ việc.
Giải phẫu tử thi tìm nguyên nhân
Như Dân trí thông tin, ngày 3/4 khi đang chơi với nhóm trẻ hàng xóm, bé Lữ Đoàn Phi Công (7 tuổi) trèo lên cây điều trong vườn nhà thì bị té từ độ cao khoảng 2m xuống đất, gãy tay. Cháu được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Ngày 4/4, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật kết hợp xương cho bé và hẹn tái khám vào ngày 13/7.
Đến hẹn, gia đình đưa bé đến thăm khám, các bác sĩ cho nhập viện ngày 13/7 và chỉ định phẫu thuật sáng 14/7 để lấy dụng cụ (đinh) đã sử dụng để kết hợp xương ở lần phẫu thuật trước. Cuộc tiểu phẫu cho bé bắt đầu khoảng 9 giờ nhưng đến 5 giờ chiều gia đình vẫn không nhận được thông tin về tình trạng của bệnh nhi. Gia đình nóng lòng gặng hỏi y bác sĩ nhiều lần nhưng không được nên đi thẳng vào khoa bệnh tìm thì thấy bé đã hôn mê, phải thở máy.
Tối 14/7, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM trong tình trạng mê sâu, co giật toàn thân, hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng qua nội khí quản. Các bác sĩ đã hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, cho bệnh nhi thở máy, sử dụng thuốc chống co giật, chống phù não, điều trị kháng sinh phổ rộng. Tuy nhiên, bé có diễn tiến xấu, sau 5 ngày điều trị tích cực bệnh nhi trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh lúc 4 giờ sáng ngày 19/7.
Con trai đang khỏe mạnh bình thường, chỉ đến bệnh viện tiểu phẫu để lấy dụng cụ kết hợp xương nhưng lại rơi vào hôn mê, tử vong khiến gia đình anh Lữ Đoàn Thủy sốc nặng. Nén lại nỗi đau, phía gia đình đã quyết định gửi đơn tố cáo, đề nghị điều tra về nguyên nhân tử vong của bé Phi Công. Sau khi bé tử vong, gia đình đã đưa về quê, đề nghị cơ quan chức năng tiến hành giải phẫu tử thi trước khi lo hậu sự.
Thông tin từ anh Lữ Đoàn Thủy (bố bệnh nhi) cho biết: “Sau khi bé tử vong, ông Giám đốc cùng đại diện bệnh viện đã đến chia buồn cùng gia đình. Chúng tôi ghi nhận thiện chí từ phía bệnh viện nhưng từ chối tiếp nhận sự hỗ trợ về mặt tài chính. Gia đình tôi đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc. Chúng tôi chờ đợi một kết quả điều tra công tâm, làm rõ nguyên nhân tử vong của bé. Ai gây ra cái chết cho con tôi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Báo cáo nhanh của BV gửi Sở Y tế không đề cập phương pháp vô cảm
Liên quan đến vụ việc trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước đã có báo cáo nhanh gửi đến Sở Y tế tỉnh. Theo công văn (số 955 BVĐK-KHTH) do Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Hữu Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước ký ngày 17/7, lúc 14 giờ 30 ngày 13/7 bệnh nhân được chuyển đến tái khám tại bệnh viện để tháo dụng cụ kết hợp xương theo lịch hẹn. Tiền sử bệnh nhân và gia đình chưa ghi nhận bất thường.
Qua thăm khám lâm sàng ghi nhận, bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, chi ấm, mạch rõ, tim đều, phổi trong, bụng mềm… sẹo mổ cũ mặt sau cánh tay trái. Kết quả chụp X-quang còn dụng cụ kết hợp xương cánh tay trái. Bệnh nhi được chỉ định nhập viện khoa Chấn thương Chỉnh hình trong tình trạng sinh hiệu ổn định, khuỷu tay trái cử động hạn chế. Bệnh nhi được chỉ định các xét nghiệm tiền phẫu, chuẩn bị phẫu thuật tháo dụng cụ kết hợp xương.
Lúc 9 giờ ngày 14/7, bệnh nhi được chuyển đến khoa Phẫu thuật – Gây mê Hồi sức để thực hiện phẫu thuật. Lúc 10 giờ 30 bệnh nhân được chuyển đến phòng hậu phẫu trong tình trạng ổn định, được theo dõi dấu hiệu sinh tồn. Lúc 10 giờ 35 bệnh nhi đột ngột diễn biến nặng, thở yếu, nhịp tim nhanh, nhỏ, mạch khó bắt. Tiến hành hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, diễn tiến rất nặng.
19 giờ cùng ngày, sau khi giải thích tình trạng bệnh cho gia đình bệnh viện đã thực hiện thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị với chẩn đoán hôn mê, ngưng tim, hậu phẫu giờ thứ 8 phẫu thuật lấy dụng cụ kết hợp xương cánh tay trái. Hiện tại, bệnh viện đã bàn giao cho cơ quan Cảnh sát Điều tra hồ sơ bệnh án và các tài liệu liên quan đến bé Lữ Đoàn Phi Công.
Tuy nhiên, báo cáo này không đề cập phương pháp vô cảm (phương pháp gây mê hoặc gây tê trước phẫu thuật) cho bệnh nhân. Nội dung báo cáo cũng không đề cập đến việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật, quy trình xử lý tình huống đã thực hiện khi xảy ra sự cố…
Phóng viên đã liên hệ với BS Trương Hữu Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước để tìm hiểu thêm thông tin về phương pháp vô cảm và quy trình xử lý cấp cứu cho bệnh nhi.
BS Hữu Nhàn cho biết: “Bệnh viện đang xin ý kiến của sở một số vấn đề liên quan. Nội dung này cần chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an điều tra. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi không tiện phát ngôn”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin.
Vân Sơn