1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thanh Hóa:

Vụ bằng chuyên môn giả ngành y: Nhiều người trực tiếp điều trị bệnh nhân

(Dân trí) - Trong 20 cán bộ y tế dùng bằng giả, phần lớn các cán bộ này đều được giữ chức vụ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, nhiều dược sĩ cả chục năm bán thuốc trong bệnh viện.

Những ngày qua, dư luận cả nước không khỏi “giật mình” khi ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa thanh kiểm tra và phát hiện tới 20 trường hợp cán bộ, người lao động đang làm việc tại các cở sở y tế trực thuộc, sử dụng bằng chuyên môn giả và tẩy xóa bằng. Trong đó có 18 trường hợp sử dụng bằng giả, 2 trường hợp sửa bằng. Về trình độ chuyên môn, có 3 bằng cao đẳng điều dưỡng, 1 bằng trung học điều dưỡng, 4 bằng dược sĩ trung học, 7 bằng y sĩ, 1 bằng kỹ thuật viên xét nghiệm trung học, 2 bằng về tin học…  Điều đáng nói trong đó có rất nhiều trường hợp làm việc hàng chục năm, nhưng không bị các đơn vị sử dụng người lao động phát hiện xử lý.

Không học vẫn có bằng

Trong khi rất nhiều người tốt nghiệp cử nhân, thạc sỹ chuyên ngành ra trường đang thất nghiệp thì thực tế lại xuất hiện nhiều trường hợp dùng bằng giả, không đủ trình độ được làm ở vị trí đi cứu người.

Trao đổi với PV, chị Cao Thị Vân (SN 1991), hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn, một trong những đối tượng bị phát hiện dùng bằng giả trong đợt thanh tra của Sở Y tế vừa qua, thừa nhận tấm bằng Cao đẳng Điều dưỡng đa khoa mà chị dùng là bằng giả.

“Sau khi em học xong trung cấp y sĩ đa khoa tại trường Trung cấp Y - Dược Văn Hiến (Thanh Hóa), em có nộp đơn theo học trường Cao đăng Y tế Phú Thọ, nhưng học được vài tháng thì em có bầu nên không đi học nữa. Bác em nói để bác lo cho, rồi bác em ra ngoài trường mua bằng cho em”, chị Vân cho hay.

Chị Vân được Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn ký hợp đồng 3 năm (từ tháng 4/2014) với chức danh là nhân viên Khoa nội 1. Hiện chị Vân vẫn đang làm việc tại Bệnh viện nhưng chuyển sang làm việc ở Khoa Chống nhiễm khuẩn vì đang trong thời kỳ mang thai nên chưa thể thực hiện buộc thôi việc với lao động này.

Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn cũng có cán bộ bị phát hiện dùng bằng giả
Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn cũng có cán bộ bị phát hiện dùng bằng giả

Về trường hợp này, ông Mai Đình Thọ, Trưởng phòng tổ chức hành chính, Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn, cho biết: “Theo quy định của luật lao động, trong thời gian cán bộ nữ có bầu và nuôi con nhỏ thì không được sa thải cán bộ. Khi nào nuôi con nhỏ đủ 12 tháng chúng tôi sẽ tiến hành họp và cho thôi việc đối với chị Vân. Hiện chị Vân được điều chuyển sang khoa khác làm công việc phổ thông, không cho làm chuyên môn chăm sóc bệnh nhân nữa”.

“Sau khi tuyển dụng lao động, chúng tôi làm đúng quy trình gửi Sở y tế thẩm định về hồ sơ sau đó mới tuyển. Còn việc phát hiện ra bằng giả khó, nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện ra”, ông Thọ khẳng định.

Tương tự trường hợp của chị Vân, chị Nguyễn Thị Hải được học và có tấm bằng Sơ cấp Dược nhưng sau đó lại mua tấm bằng Dược sĩ trung học giả để làm hồ sơ vào Bệnh viện. Lãnh đạo Bệnh viện này cũng cho hay chị Hải là con gái của một cán bộ điều dưỡng của bệnh viện nên bệnh viện cũng tin tưởng. Sau khi bị phát hiện, chị này cũng đã bị Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương chấm dứt hợp đồng.

Chiều ngày 15/1, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã yêu cầu Sở Y tế Thanh Hóa làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan trên quan điểm sai đến đâu, xử lý nghiêm, dứt điểm đến đấy. UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế và cơ quan công an nhanh chóng làm rõ việc sai phạm này có liên quan gì đến việc tiêu cực hay không, xác định rõ nguồn gốc của các loại bằng này. Nếu phát hiện ra tổ chức, cá nhân, đơn vị biết người lao động sử dụng bằng giả mà vẫn bao che thì phải xử lý nghiêm.

Đối với trường hợp Hoàng Đình Kiên, Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa. Kiên thừa nhận mình dùng bằng giả được mua ở Phú Thọ.

Ông Nguyễn Lê Lân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa cho hay: “Anh Kiên là đối tượng được Giám đốc Bệnh viện cũ ký hợp đồng thử việc 3 tháng nhưng mới hơn 1 tháng thì bị phát hiện dùng bằng giả nên Bệnh viện đã cho thôi việc. Sự việc xảy ra anh Kiên cũng giải trình là có học ở trường Trung cấp Văn Hiến nhưng chưa lấy bằng thì lại mua bằng ở Phú Thọ để làm hồ sơ xin việc vào đây”.

“Theo tôi, việc kiểm soát bằng giả đầu vào tuyển dụng rất khó. Bằng mắt thường thì không thể phát hiện được đâu là giả. Về phía bệnh viện, khi phát hiện lao động dùng bằng giả, chúng tôi đã buộc thôi việc và cũng đã họp để rút kinh nghiệm. Sắp tới, nếu có tuyển dụng chúng tôi sẽ chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra bằng cấp. Có thể phải xác minh quá trình học tập của người lao động khi đi xin việc”, ông Lê Tiến Toàn - Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện đa khoa TP. Thanh Hóa – nơi có 2 đối tượng dùng bằng giả nhận định.

Hàng chục năm trực tiếp điều trị bệnh nhân

Dư luận đang hết sức lo ngại khi trong số này có những trường hợp công tác hàng chục năm trong nghề. Đơn cử, như trường hợp của ông Lê Văn Lệ (SN 1958, nguyên Trạm trưởng, Trạm Y tế xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn), trước khi bị phát hiện sử dụng bằng cấp bị tẩy xóa, ông Lệ đã có khoảng 20 năm làm Trạm trưởng tại đây. 

Một cán bộ Trung tâm Y tế huyện Triệu Sơn, cho biết sau khi có kết luận ông Lệ sử dụng bằng cấp không đúng, ông này giải trình có học trong Quân y và được cấp bằng. “Chúng tôi đã cho anh Lệ ra đơn vị để đối chiếu lại bằng cấp, nhưng anh Lệ không chứng minh được nên chúng tôi đã ra quyết định buộc thôi việc đối với anh này”, cán bộ này nói.

Trong số những cán bộ, người lao động lâu năm dùng bằng chuyên môn giả còn có bà Thái Thị Phượng (SN 1964, công tác tại Trạm Y tế xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), Bùi Thị Xuân (SN 1960, công tác Trạm Y tế xã Lương Nội, huyện Bá Thước), ông Lê Xuân Thướng (SN 1965, làm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn)… tất cả những người này đều có bằng chuyên môn giả là y sĩ. Đây là những người trực tiếp làm công tác thăm khám, cấp phát thuốc và điều trị cho bệnh nhân.

Với tấm bằng Dược sĩ trung học giả, do Trường trung học Y tế Hà Nội cấp, bà Lê Thị Thúy (SN 1986, ngụ xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa), đã xin được vào Khoa Dược vật tư thiết bị y tế - Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa, để cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Bà Thúy đã có 8 năm hành nghề tại đây và là viên chức của cơ quan.

Khi bằng giả bị phanh phui, bà Thúy bị cơ quan đuổi việc. Nhưng điều lạ là sau khi bị buộc thôi việc, bà Thúy lại được chính ông Lê Minh Sứ (nguyên giám đốc bệnh viện, người ký đuổi việc bà), tiếp tục ký hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm đối với bà Thúy từ ngày 1/10/2014 đến ngày 1/10/2015. Bà Thúy sẽ làm việc ở Khoa khám bệnh, với chức danh chuyên môn là hộ lý.

Nguyễn Thùy