1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ ăn cá muối ủ chua ngộ độc: Bệnh viện thiếu kháng sinh trị nhiễm khuẩn

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đang thiếu kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đa kháng cho bệnh nhân trong vụ hàng loạt người ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua.

Ngày 20/3, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã có báo cáo hỏa tốc gửi đến Bộ Y tế về tình trạng sức khỏe hiện tại của các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum tại Quảng Nam.

Theo báo cáo, có 3 bệnh nhân nặng đã được truyền thuốc BAT giải độc tố botulinum. Hai tình trạng còn lại vẫn đang được theo dõi sát tình trạng trước khi quyết định sử dụng 2 lọ thuốc giải còn lại hay không.

Cụ thể, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân H.V.Đ. (57 tuổi, ngụ Phước Sơn, Quảng Nam), trước khi truyền thuốc trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, phải thở máy và không có nhịp tự thở. Bệnh nhân được sử dụng BAT lúc 20h cùng ngày, kéo dài trong một giờ đồng hồ.

Vụ ăn cá muối ủ chua ngộ độc: Bệnh viện thiếu kháng sinh trị nhiễm khuẩn - 1

Một trong số các bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng được truyền thuốc giải BAT (Ảnh: BV).

Sau khi dùng thuốc giải, bệnh nhân đã nghe được lời bác sĩ nói, thực hiện được y lệnh chậm, có nhịp tự thở yếu, tình trạng sức cơ bệnh nhân có cải thiện hơn, tuy nhiên còn phụ thuộc máy thở. Bệnh nhân đang bị viêm phổi liên quan thở máy, đã chuyển đổi kháng sinh viêm phổi bệnh viện.

Tuy nhiên, kháng sinh hướng điều trị nhiễm khuẩn đa kháng tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam hiện không đủ. Bệnh viện Chợ Rẫy đã đề nghị bệnh viện này báo cáo với Sở Y tế tỉnh để có hướng bổ sung.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân H.V.Đ. (26 tuổi, ngụ Phước Sơn, Quảng Nam). Trước đó, bệnh nhân tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, sức cơ 2/5, suy hô hấp phải thở máy, có nhịp tự thở rất yếu. Bệnh nhân cũng được truyền BAT khoảng 20-21h ngày 18/3.

Đến nay bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh, sức cơ tứ chi hồi phục 4/5, có nhịp tự thở khá hơn. Hiện, bác sĩ chuyển sang chế độ thở CPAP để bệnh nhân tự thở, đồng thời có kế hoạch cai máy thở trong 1-2 ngày tới.

Vụ ăn cá muối ủ chua ngộ độc: Bệnh viện thiếu kháng sinh trị nhiễm khuẩn - 2

Sau khi truyền BAT, 3 bệnh nhân đều có sự cải thiện (Ảnh: BV).

Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân H.T.T. (37 tuổi, ngụ Phước Sơn, Quảng Nam), đến tối 18/3 vẫn tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, sức cơ chỉ 1-2/5, suy hô hấp, thở máy và có nhịp tự thở rất yếu. Bệnh nhân này còn bị rối loạn nhịp tim chậm, được đặt máy tạo nhịp.

Sau truyền BAT, đến nay bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, đã ngưng thuốc an thần, rút ống nội khí quản, ngưng thở máy. Bệnh nhân đã có cơ lực hai bên 4/5, tiên lượng khá. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục theo dõi sát tình trạng hô hấp.

Hai trường hợp còn lại đang điều trị là bệnh nhân H.T.M. (24 tuổi) và H.T.C. (12 tuổi, cùng ngụ Phước Kim, Phước Sơn, Quảng Nam), ngộ độc botulinum mức độ nhẹ, không có chỉ định truyền BAT. Qua thời gian điều trị tích cực, cả hai bệnh nhân đã có sức cơ tứ chi bình thường, ngưng thở oxy, ăn qua đường miệng.

Vụ ăn cá muối ủ chua ngộ độc: Bệnh viện thiếu kháng sinh trị nhiễm khuẩn - 3

Các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam và Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn để tìm phương án điều trị tốt nhất (Ảnh: BV).

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, trong 3 ca dùng thuốc BAT, hiện chỉ còn 1 ca tiên lượng dè dặt, hai trường hợp còn lại đã và chuẩn bị rút nội khí quản.

Trước đó, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam tiếp nhận 3 chùm ca bệnh vào cấp cứu (tổng cộng 10 người), với kịch bản chung là đau bụng, nôn ói mệt và yếu dần tay chân sau khi ăn món cá chép muối ủ chua.

Quá trình điều trị, một phụ nữ trong số 10 trường hợp trên không qua khỏi, 4 trường hợp đã tạm ổn. Kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện ngày 18/3 xác định có vi khuẩn Clostridium túyp E (+), chẩn đoán các bệnh nhân ngộ độc botulinum.