1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ 3 năm đòi tiền thuốc BHYT: Bệnh viện nói chưa có cơ sở để thanh toán

Nhóm PV Sức khỏe

(Dân trí) - Về nguyên nhân bệnh nhân chưa được hoàn tiền bảo hiểm y tế cho thuốc Hydrocortison mà mình tự mua, theo bệnh viện hiện chưa có cơ sở để thanh toán.

Vừa qua, báo Dân trí đã phản ánh về trường hợp ông Nguyễn Đức Tâm, 68 tuổi, sống tại Hà Nội 3 năm ròng rã "đòi" hoàn tiền bảo hiểm y tế cho thuốc Hydrocortison 10mg điều trị u tuyến thượng thận tự mua, do Bệnh viện Nội tiết Trung ương không có thuốc cấp.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa có thông tin phản hồi về trường hợp này.

Không có căn cứ thanh toán vì bệnh viện không mua được thuốc

Theo Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ông Tâm ban đầu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai với chẩn đoán suy tuyến thượng thận, u tuyến yên có dùng thuốc Hydrocortison 10mg đường uống (Hydrocortison).

Từ tháng 3/2020, ông Tâm được Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai giới thiệu chuyển tuyến đến Bệnh viện Nội Tiết Trung ương để tiếp tục điều trị với chẩn đoán suy tuyến thượng thận, u tuyến yên.

Vụ 3 năm đòi tiền thuốc BHYT: Bệnh viện nói chưa có cơ sở để thanh toán - 1

Trong 3 năm qua ông Tâm đã hàng chục lần đi đòi quyền lợi bảo hiểm (Ảnh: P.V.).

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, Hydrocortison là thuốc ưu tiên lựa chọn hàng đầu trong điều trị suy tuyến thượng thận (Theo Dược thư Quốc Gia Việt Nam và hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế).

Tuy nhiên, tại thời điểm ông Tâm chuyển lên điều trị, mặc dù Hydrocortison là thuốc nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng Bệnh viện Nội tiết Trung ương đang chưa có thuốc này.

Khi khám chữa bệnh, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, bác sĩ luôn giải thích rất rõ và đầy đủ tình trạng bệnh, phác đồ điều trị và những lý do mà bệnh viện chưa thể cung ứng được thuốc Hydrocortison.

"Về vấn đề thuốc Hydrocortison, bác Tâm cũng biết được các vướng mắc trong quá trình cung ứng thuốc này. Bác đồng ý việc được kê thuốc Hydrocortison để tự mua thuốc. Bác phản hồi lại có thể tự mua và thực tế đã mua được thuốc để điều trị", bệnh viện thông tin.

Vụ 3 năm đòi tiền thuốc BHYT: Bệnh viện nói chưa có cơ sở để thanh toán - 2

Tại thời điểm ông Tâm chuyển lên điều trị, mặc dù Hydrocortison là thuốc nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng Bệnh viện Nội tiết Trung ương đang chưa có thuốc này (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Về nguyên nhân ông Tâm chưa được thanh toán chế độ bảo hiểm y tế cho thuốc Hydrocortison mà mình tự mua, theo bệnh viện hiện chưa có cơ sở để thanh toán.

"Do không thể mua được thuốc Hydrocortison đường uống theo các quy định của pháp luật về đấu thầu mua thuốc nên bệnh viện không có cơ sở để thanh toán chi phí thuốc cho ông Tâm", bệnh viện lý giải.

Cơ sở này dẫn chứng quy định tại Điều 3, Nguyên tắc chung về thanh toán chi phí thuốc đối với người bệnh tham gia bảo hiểm y tế của Thông tư 30/2018/TT-BYT.

Theo đó, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua thuốc, phù hợp với phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Như vậy, trường hợp của ông Tâm phải... tiếp tục chờ cho tới khi bệnh viện mua được Hydrocortison để có cơ sở thanh toán chi phí thuốc, và cũng chưa biết phải chờ tới bao giờ.

Khó khăn khi tổ chức đấu thầu thuốc hiếm

Bệnh viện Nội tiết Trung ương phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cơ sở này không có Hydrocortison đường uống trong thời gian dài.

Trước hết, hàng năm bệnh viện tổ chức đấu thầu mua thuốc theo các quy định hiện hành (trong đó có thuốc Hydrocortison đường uống). Tuy nhiên, nhiều năm liên tiếp, Bệnh viện đã tổ chức đấu thầu nhưng không thể mua được thuốc Hydrocortison đường uống (do không có nhà thầu nào tham gia đấu thầu).

Thuốc Hydrocortison đường uống nằm trong danh mục thuốc hiếm quy định tại thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 nên rất ít hoặc không có đơn vị cung ứng trên thị trường.

Trên bảng tổng hợp dữ liệu kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế do Cục Quản lý Dược công bố trong thời điểm từ năm 2017 đến tháng 1/2019 chỉ có duy nhất nhà thầu là công ty cổ phần dược phẩm Eco.

"Mặt khác nguồn cung thuốc nói trên không ổn định, nhỏ giọt, có thời điểm không có trên thị trường do nguyên liệu sản xuất thuốc khan hiếm.

Trên bảng tổng hợp dữ liệu kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế do Cục Quản lý Dược công bố trong thời điểm từ tháng 2/2019 đến tháng 11/2022 không có kết quả trúng thầu của hoạt chất này (đường uống), tại các bệnh viện trên toàn quốc, cũng là thời điểm mà ông Tâm phải mua thuốc ở ngoài", bệnh viện nêu rõ.

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, năm 2019, theo các quy định hiện hành về việc nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, bệnh viện đã gửi công văn tới Bộ Y tế và Đơn vị nhập khẩu thuốc (Công ty cổ phần dược phẩm Eco).

Đây là công ty đã trúng thầu thuốc Hydrocortison các năm 2017 đến 2019 trên Bảng tổng hợp dữ liệu kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế do Cục Quản lý Dược công bố, để xin phê duyệt đơn hàng thuốc nói trên.

Tiếp đó năm 2022 bệnh viện đã tổng hợp các thuốc thiếu, nguy cơ thiếu (trong đó có Hydrocortison) báo cáo Bộ Y tế.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, trường hợp phải mua thuốc (trong danh mục bảo hiểm y tế) như bệnh nhân Tâm là khá hy hữu.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng nêu đề xuất với các thuốc hiếm, thuốc không sẵn có, thuốc có số lượng sử dụng ít, Bộ Y tế cần có cơ chế dự trữ thuốc Quốc gia hoặc đưa các thuốc hiếm vào danh mục thuốc đấu thầu tập trung, đàm phán giá... hoặc có cơ chế riêng cho trường hợp mua các thuốc hiếm, để khi bệnh nhân cần sử dụng có thể tiếp cận được.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin, chia sẻ điều phối thuốc giữa các cơ sở y tế.

"Bệnh viện rất mong muốn nhận được sự chia sẻ, thông cảm, thấu hiểu và phối hợp từ phía người bệnh trong những trường hợp thiếu thuốc do bất khả kháng", bệnh viện chia sẻ.

Vấn đề khó nhưng không thể để người dân chờ quá lâu

Việc khó thanh toán tiền thuốc trong danh mục bảo hiểm do người bệnh tự mua vì bệnh viện không còn thuốc cấp, theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, chủ yếu đến từ việc vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng cho vấn đề này.

Luật sư Tiền chia sẻ: "Hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc hoàn trả tiền cho người dân khám, chữa bệnh BHYT phải tự mua thuốc điều trị ở ngoài.

Chính vì vậy, vào ngày 8/11 tại phiên trả lời chất vấn Quốc Hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã họp bàn với các bộ để xây dựng phương án hoàn trả chi phí hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân".

Theo quan điểm của luật sư Tiền, việc xây dựng hướng dẫn không phải là vấn đề đơn giản vì cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ban, ngành và cần thực hiện chặt chẽ.

Tuy nhiên, việc để vấn đề này tồn đọng quá lâu, dẫn đến vụ việc như ông Tâm suốt 3 năm qua phải đi đòi quyền lợi là không hợp lý.

"Thuốc không thể chờ, cũng như việc ăn không thể nhịn. Về vấn đề này, cơ quan chức năng cần phải hết sức tích cực phối hợp để sớm ban hành hướng dẫn cụ thể, đáp ứng nhu cầu thiết yếu, quyền lợi chính đáng của người dân tham gia BHYT", luật sư Tiền nhấn mạnh.