Vụ 2 trẻ đạp xe hàng trăm cây số: Trẻ đối mặt nhiều nguy cơ trên đường
(Dân trí) - Theo chuyên gia, khi đạp xe trên quãng đường xa như vậy dưới trời nóng bức, trẻ đối mặt rất nhiều nguy cơ như cảm nắng, kiệt sức, ngất trên đường do đói hạ đường huyết, mất nước..
Chiều 18/4, một gia đình ở xóm Thung Khe, xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình phát hiện hai cháu nhỏ đang dắt xe đạp đi qua cổng. Thấy các cháu có biểu hiện mệt mỏi, đói, khát, gia đình đã đưa vào nhà cho tắm rửa, thay quần áo, cắt tóc, nấu cơm cho cháu ăn đồng thời liên hệ với công an huyện.
Tuy nhiên, không phải hai trẻ đạp xe từ Điện Biên xuống Hà Nội để tìm mẹ như thông tin ban đầu mà các em bỏ nhà đi từ ngày 29/3. Hai em cũng cùng 15 tuổi, không phải anh em cùng cha khác mẹ.
Cả hai đều có hộ khẩu thường trú tại bản Dền Thàng B, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Bố mẹ của các cháu đang sinh sống, làm ăn tại nơi thường trú. Từ nơi thường trú đến nơi phát hiện hai trẻ, khoảng cách đường bộ gần nhất 500km.
PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Trưởng Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, khi đạp xe trên quãng đường xa như vậy, đặc biệt dưới thời tiết nóng bức, trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ.
Thứ nhất là vấn đề an toàn giao thông khi di chuyển trên quãng đường hơn 400km.
Thứ 2 là vấn đề an ninh trật tự xã hội như bắt cóc tống tiền, bắt cóc buôn người - phủ tạng…
Thứ 3 là các nguy cơ về sức khỏe khác như chấn thương, trẻ có thể gặp các tình huống cấp cứu như hạ đường huyết.
Các biểu hiện gồm mệt đột ngột, chóng mặt, đau đầu, lo âu, buồn nôn, chân tay nặng nề, da tái xanh, vã mồ hôi, tay run, bụng cồn cào, nóng rát vùng dạ dày, đau vùng thượng vị, đánh trống lồng ngực, mất bình tĩnh, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực, hoa mắt… Nặng thì có thể dẫn đến hôn mê, co giật, liệt nửa người, tổn thương thần kinh, rối loạn cảm giác, vận động.
Bên cạnh đó là tình trạng say nắng, say nóng do thời tiết nắng nóng.
Biểu hiện gồm thân nhiệt tăng cao 39-40 độ C, tăng thải mồ hôi làm mất nhiều nước, điện giải. Hậu quả là giảm khối lượng tuần hoàn nếu không kịp thời bù nước có thể dẫn đến trụy tim, rối loạn cân bằng nước điện giải nặng, gây rối loạn chức năng của nhiều cơ quan như hô hấp, tim mạch, thần kinh..., cuối cùng gây co giật, đột tử.
Một nguy cơ có thể gặp là trong tình trạng đói, tụt đường huyết, thể lực giảm sút hoặc tiền sử có bệnh lý tim mạch, huyết áp… thì khi leo dốc có thể gây thiếu máu, oxy cho cơ tim hoạt động, gây ngất, đột quỵ tim, tăng huyết áp, đột quỵ não… Chấn thương dễ xảy ra khi các tình trạng bệnh lý trên xuất hiện, làm suy giảm thể lực, rối loạn ý thức.
"Trường hợp trẻ vừa đi vừa nghỉ thì các nguy cơ ít hơn. Với quãng đường 430km, trung bình trẻ đạp xe với tốc độ 15-20 km/giờ thì sẽ mất 21-28 giờ, đi liên tục hơn 1 ngày. Tuy nhiên, có thể các cháu sẽ không đi liên tục, mà nghỉ 2-3 lần, mỗi lần 1 -2 giờ, như vậy mỗi lần đi khoảng 8-12 giờ", PGS Kha phân tích.