Vỡ loét đầu vú vì tự ý đắp lá chữa ung thư

(Dân trí) - Người phụ nữ 49 tuổi, ở Tuyên Quang vào viện trong tình trạng đầu vú vỡ, loét, chảy dịch máu, phù tay sau khi đắp lá chữa ung thư. Điều đáng tiếc bệnh ung thư vú đã di căn xương giai đoạn cuối.

Bệnh nhân là chị H.T.D, 49 tuổi, người dân tộc H’mông. Khoảng 1 năm trước chị phát hiện u vú phải nhưng không điều trị gì mà đắp thuốc nam 6 tháng. Tuy nhiên u vú không nhỏ đi mà ngày càng to, kèm theo da gần núm vú vỡ loét, chảy dịch máu. Cánh tay phải cùng bên ngày càng to ra, phù tím da toàn bộ tay bên phải, có chỗ nổi bọng nước.

Bệnh nhân đau nhiều, không thể làm cũng như đi lại, ăn uống ngày càng kém đi, gầy và sút cân. Lúc này gia đình mới đưa chị đến khám tại khoa Ung bướu một bệnh viện ở Phú Thọ. 

Vỡ loét đầu vú vì tự ý đắp lá chữa ung thư - 1
Hình ảnh vú phải sưng to, phù tím da toàn bộ tay bên phải.

Sau khi làm các cận lâm sàng các bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vú giai đoạn cuối di căn hạch nách và xương cánh tay phải, vùng đắp thuốc nam bị nhiễm trùng có nguy cơ hoại tử, nhiễm khuẩn huyết nếu không được điều trị kịp thời.

“Bệnh nhân đến viện đã giai đoạn muộn, u không còn khả năng phẫu thuật. Hiện tại bệnh nhân đã được dùng kháng sinh kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, kiểm soát đau, điều trị hóa chất 1 chu kỳ, tình trạng bệnh có thuyên giảm ”, bác sĩ Hứa Văn Đức, Trưởng khoa Ung bướu cho biết. 

Bệnh nhân được cho ra viện, dự kiến truyền tiếp chu kỳ hóa chất thứ 2

Theo bác sĩ Đức, hiện nay chưa có bằng chứng về hiệu quả điều trị của thuốc nam trong ung thư, tuy nhiên có nhiều bệnh nhân tin vào những lời quảng cáo, những chia sẻ trên mạng xã hội, đồn thổi về tác dụng của thuốc nam trong điều trị ung thư và từ chối điều trị bằng các phương pháp khoa học để rồi tiền mất mà thêm tật. Hậu quả là bệnh nhân đã bị chậm điều trị, dẫn đến ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn khiến việc điều trị khó khăn, thậm chí đã quá muộn. 

Những trường hợp đắp lá chữa ung thư làm chậm trễ thời gian chữa bệnh như trường hợp trên không phải hiếm gặp. Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào viện với khối u vú căng phồng, lở loét, chảy mủ, di căn thêm vì đắp lá.

Nhiều trường hợp bị u vú khi đến viện thì đã di căn phổi, gan, xương, giai đoạn 4, khiến cho quá trình điều trị khó khăn và không hiệu quả. Một số loại hồ, cao có tính chất nóng, kích thích tế bào phát triển, một số loại khác không kích thích nhưng cũng không làm bệnh lui đi, song lại làm chậm trễ thời gian điều trị của người bệnh. Cũng vì thế đáng nhẽ bệnh được phát triển ở giai đoạn sớm lại thành giai đoạn muộn, từ chưa di căn thành di căn.

Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh khi thấy nổi hạch, u bất thường nên đi khám chuyên khoa ung bướu sớm, điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy đến. Người dân không nên tự ý điều trị như dùng thuốc nam sẽ đánh mất đi cơ hội chữa khỏi bệnh.

Để phát hiện sớm ung thư vú, các bác sĩ khuyến cáo ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau sạch kinh 3-5 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường, đau tức vú, ngực có hạch ở nách, vú thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

Đặc biệt những trường hợp trong gia đình có tiền sử người thân bị các bệnh ung thư thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ, nhất là phụ nữ ở tuổi ngoài 40 nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.

Hà An