Vỡ bình thủy tinh đựng nước, bé trai bị nhiều dị vật cắm vào mặt

Minh Nhật

(Dân trí) - Bé bị ngã úp mặt vào những mảnh vỡ thủy tinh, gây ra nhiều vết thương trên da vùng mặt.

Khi đang trèo lên ghế trường kỷ ở nhà, bé T.P.L., 2 tuổi, sống tại Đồng Du, Bình Lục, Hà Giang với tay nghịch bình thủy tinh đựng nước trên bàn rồi trượt chân ngã.

Bình thủy tinh rơi theo, vỡ thành nhiều mảnh dưới nền đất. Bé bị ngã úp mặt vào những mảnh vỡ thủy tinh, gây ra nhiều vết thương trên da vùng mặt. Sau khi tai nạn xảy ra, bé lập tức được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu vết thương, rồi chuyển ngay lên Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Bé L. được gia đình đưa vào Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương trong tình trạng hoảng sợ, đau đớn, băng bó khắp mặt. Bác sĩ mở băng ra thăm khám thì thấy có nhiều vết thương rất dài ở vùng trán và vùng má vẫn còn rỉ máu.

Vỡ bình thủy tinh đựng nước, bé trai bị nhiều dị vật cắm vào mặt - 1

Bác sĩ kiểm tra tình trạng của bệnh nhi (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật khâu vết thương phần mềm vùng mặt cho bệnh nhi. Theo đó, kíp mổ đã tiến hành làm sạch vết thương, đặc biệt kiểm tra kỹ tránh trường hợp sót dị vật, nhất là dị vật mảnh thủy tinh trong vết thương, rồi khâu đóng vết thương.

BS Nguyễn Thị Huệ, Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi chia sẻ: "Việc loại bỏ dị vật như các mảnh thủy tinh ra khỏi vết thương là vô cùng quan trọng, bởi nếu chúng nằm trong vết thương sẽ làm vết thương bị nhiễm trùng và không liền được.

Đối với vết thương hở, đặc biệt vết thương bẩn có nguy cơ bị uốn ván, cần phải tiêm phòng uốn ván để tránh nguy cơ tử vong cao do mắc uốn ván".

Theo chuyên gia này, nhiều người thường lầm tưởng chỉ có giẫm phải đinh sắt, kim loại... mới bị uốn ván, nhưng thực tế, những vết thương hở đặc biệt những vết thương bẩn chứa dị vật, bụi bẩn cũng có thể gây bệnh này.

Uốn ván (hay còn gọi phong đòn gánh) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván (tên khoa học là Clostridium tetani) gây ra.

Uốn ván có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi nếu chưa được tiêm ngừa đầy đủ, không biết cách chăm sóc, xử trí đúng khi có vết thương.

Bệnh có thể diễn tiến nặng gây co giật toàn thân, nuốt sặc và khó thở phải điều trị tích cực bằng thở máy, lọc máu, an thần, giãn cơ…

Xuất hiện nhiễm trùng như viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mở khí quản, viêm nơi tiêm truyền tĩnh mạch, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, viêm xoang,…

Rối loạn thăng bằng nước và điện giải, suy thận, lúc này tiên lượng người bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Kèm theo các biến chứng khác như suy dinh dưỡng, cứng khớp, loét vùng tỳ đè, suy giảm tri giác do thiếu oxy kéo dài, đứt lưỡi do cắn phải.

BS Huệ khuyến cáo nếu gặp trường hợp tương tự, đối với vết thương chảy máu nhiều, trước tiên người nhà cần nhanh chóng dùng băng, gạc ép vết thương để cầm máu.

Đối với vết thương nông, không hoặc ít chảy máu, người nhà cần làm sạch vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, băng vết thương lại.

Ngay sau đó cần đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời, đúng cách. Bác sĩ lưu ý người bị nạn cũng như người nhà không nên tự lấy nhíp, kim khâu hoặc một số dụng cụ để lấy dị vật vì không đảm bảo vô trùng.

"Bên cạnh đó, khi chăm sóc trẻ tại gia đình, người nhà trẻ cần cẩn trọng quan sát con, không để những vật dụng dễ vỡ, nguy hiểm như bình thủy tinh, phích nước nóng…trong tầm với của trẻ, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra", BS Huệ nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm