Virus viêm gan B có thể tấn công chúng ta qua con đường nào?
(Dân trí) - Viêm gan B rất nguy hiểm với sức khỏe, nguy cơ gây ra biến chứng xơ gan, ung thư gan.Tuy nhiên, bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên khi người bệnh phát hiện thì thường đã ở giai đoạn nặng.
Viêm gan B là một bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao. Bệnh này cũng lây truyền qua 3 con đường chính như HIV là: lây truyền từ mẹ sang con; quan hệ tình dục không an toàn với người mắc bệnh; truyền máu và các chế phẩm của máu có virus viêm gan B.
Lây truyền qua đường tình dục
Đây là con đường lây nhiễm viêm gan B ít phổ biến nhất trong ba con đường.
Giống với virus HIV, virus viêm gan B lây truyền qua đường tình dục cả khác giới và đồng giới. Nguy cơ lây nhiễm sẽ càng cao hơn nếu quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp an toàn.
Virus có trong dịch tiết của người nhiễm và xâm nhập vào cơ thể qua các vết xước nhỏ và phát triển trong trực tràng và âm đạo khi quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp bảo vệ.
Lây truyền từ mẹ sang con
Khi mẹ mang thai có bệnh viêm gan B thì khả năng lây truyền sang con là rất lớn nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con có thể thông qua các con đường chính:
- Máu và dịch khi rau bị tổn thương trong quá trình chuyển dạ như cơn co tử cung; các thủ thuật xâm lấn ở chẩn đoán trước sinh như lấy nước ối, sinh thiết gai rau; trong quá trình mang thai mà có biểu hiện nhiễm trùng cũng dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh từ mẹ sang con.
- Lây qua đường tế bào: Viêm gan B có thể đi qua tuần hoàn máu của người mẹ, truyền sang bánh rau và đi vào cơ thể em bé.
Người mẹ bị viêm gan B nếu không muốn lây sang con thì phải điều trị bệnh ổn định trước khi mang thai và tiêm phòng cho trẻ ngay sau sinh.
Nếu mẹ bị viêm gan siêu vi B thì trẻ sơ sinh được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống siêu vi B ngay trong phòng sinh, và tiêm vắc xin phòng viêm gan B cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng.
Lây qua đường máu và các sản phẩm từ máu bị nhiễm virus
Người bị lây nhiễm viêm gan virus B qua đường máu có thể xảy ra trong những trường hợp như:
- Dùng chung bơm kim tiêm.
- Truyền máu của người bị nhiễm viêm gan B.
- Sử dụng dao cạo râu, bàn chải, các vật dụng dính máu của người bị nhiễm virus.
- Tiếp xúc với máu của người bệnh dính trên những vật dụng gia đình.
- Do sử dụng những dịch vụ như xăm mình, bấm khuyên tai, phẫu thuật thẩm mỹ mà các dụng cụ không được khử trùng sạch sẽ.
- Tiếp xúc với vết thương hở của người bệnh.