Việt Nam thêm 8.000 ca bệnh thận mạn mỗi năm, đa phần phát hiện muộn

Tú Anh

(Dân trí) - Tại Việt Nam, ước tính có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn. Đáng nói, phần lớn các ca đều phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân buộc phải lọc máu, ghép thận.

Ngày 23/9, tại buổi tọa đàm với chủ đề "Góc nhìn đa chiều trong ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn" do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, bệnh thận mạn đang gia tăng nhanh chóng.

Việt Nam thêm 8.000 ca bệnh thận mạn mỗi năm, đa phần phát hiện muộn - 1

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam (Ảnh: L.H).

" Tỉ lệ mắc bệnh thận mạn ở Việt Nam khoảng 10,1% dân số (hơn 10 triệu người mắc), với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam", PGS Xuyên thông tin.

"Chưa có bệnh nhân nào nói với bác sĩ kiểm tra bệnh thận. Đa phần bệnh nhân mỡ máu, đái tháo đường được chẩn đoán, nhưng chỉ khoảng 5% người lớn mắc bệnh thận mạn được chẩn đoán, dù đã ở giai đoạn 3 hoặc 4", PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam nhấn mạnh.

Theo PGS Diệu Vân, bệnh thận có đặc thù âm thầm không triệu chứng rõ ràng. Vì thế, khi đã đến viện, bệnh ở giai đoạn muộn, thường phải tiến hành lọc máu định kỳ hoặc ghép thận.

Việt Nam thêm 8.000 ca bệnh thận mạn mỗi năm, đa phần phát hiện muộn - 2

Theo PGS Diệu Vân, chi phí y tế cho điều trị lọc máu gấp 3 lần chi phí quản lý bệnh nhân thận mạn ở giai đoạn sớm (Ảnh: L.H).

Tại Việt Nam, số ca bệnh cần lọc máu khoảng 800.000 bệnh nhân nhưng hiện chỉ có 5.500 máy phục vụ 33.000 bệnh nhân.

Theo thống kê, 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm, với chi phí y tế cho điều trị lọc máu tăng gấp 3 lần chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm.

Khảo sát Inside CKD trên 11 quốc gia cho thấy chi phí y tế ước tính chi trả cho bệnh thận mạn hàng năm lên đến hàng tỉ USD, và chiếm 2,4 - 7,5% chi tiêu y tế hàng năm. Đáng lưu ý, chi phí cho quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối cho các liệu pháp chạy thận nhân tạo, thay thế thận đặc biệt tăng cao.

Dự kiến đến năm 2030, có 5 triệu người cần thay thế thận. Do đó, việc chẩn đoán và can thiệp sớm bệnh thận mạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn xã hội.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia y tế cũng đã thảo luận nhiều cách tiếp cận khác nhau để áp dụng những tiến bộ y khoa gần đây trong quản lý bệnh thận mạn từ chẩn đoán sớm đến kiểm soát bệnh ở giai đoạn sớm. 

Các chuyên gia cho biết, bệnh thận mạn được xác định bằng sự suy giảm chức năng thận (thể hiện bằng mức lọc cầu thận ước tính-eGFR) hoặc các dấu hiệu tổn thương thận (thông qua chỉ số albumin trong nước tiểu), hoặc cả hai, trong ít nhất 3 tháng.

Đây đều là các xét nghiệm với chi phí rẻ, thường được chỉ định thực hiện nếu người dân đi khám sức khỏe định kỳ.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam, trong điều trị bệnh thận mạn, nhiều bệnh nhân "nản" vì hiệu quả điều trị không rõ rệt. Họ vẫn phải đến viện lọc máu định kỳ 3 buổi/tuần, hoặc có ghép thận vẫn phải dùng thuốc thải ghép suốt đời với chi phí tốn kém.

Các thử nghiệm lâm sàng lớn được công bố trên thế giới về kiểm soát bệnh thận mạn cho thấy, nhóm thuốc ức chế SGLT-2i cho thấy hiệu quả giảm 39% nguy cơ tiến triển, giảm 31% nguy cơ tử vong trên người bệnh mắc bệnh thận mạn. Hiện thuốc này đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính với chỉ định từ bác sĩ điều trị.