Việt Nam lên 3 kịch bản ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

Nam Phương

(Dân trí) - Ca mắc đậu mùa khỉ tiếp tục có xu hướng gia tăng trên thế giới. Tại Việt Nam, theo chuyên gia, các cơ sở y tế sẽ là nơi giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên.

Chiều 1/8, Bộ Y tế tổ chức tập huấn về hướng dẫn chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ. Theo đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 7 ngày có tới hơn 4.000 ca bệnh xác định được báo cáo, nâng tổng số ca mắc trên toàn cầu đến nay là hơn 22.000 ca. 7 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Tây Thái Bình Dương đã ghi nhận 62 ca bệnh.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: "Nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai, vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết". 

Việt Nam lên 3 kịch bản ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ - 1

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng các cơ sở y tế sẽ là nơi giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên, không phải là ở sân bay. Có 2 nhóm người nguy cơ cao nhất là người trực tiếp chăm sóc người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm làm việc với các mẫu bệnh phẩm được gửi đến để chẩn đoán.

Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch đậu mùa khỉ như sau:

Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam

Các bệnh viện kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các giai đoạn, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng chống dịch.

Đồng thời, xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ; điều trị các ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo…

Tình huống 2: Có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam

Tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở…

Tình huống 3: Dịch lây lan ra cộng đồng 

Với tình huống này sẽ mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà; sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết. Đồng thời, sẽ phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp, hạn chế di chuyển người bệnh…

Bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận đầu tiên trên người vào năm 1970, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi, hầu như không ghi nhận dịch tại khu vực khác. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu. Đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, trong khi chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó. Tiếp đó, dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23/7, WHO công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Một số quốc gia gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.