Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ

Nam Phương

(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.

Ngày 29/7, Bộ Y tế có quyết định ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.

Theo đó, đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ - 1

Các giai đoạn bệnh 

Bệnh diễn biến qua các giai đoạn sau: 

- Ủ bệnh: 6 đến 13 ngày (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. 

- Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này. 

- Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày, với tính chất sau: 

+ Vị trí: phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục. 

+ Tiến triển ban: tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), sau đó thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo. 

+ Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 - 1cm. 

+ Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn. 

- Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác. 

Hướng dẫn điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh được chia thành 3 thể:

- Thể không triệu chứng: Người nhiễm virus đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào. 

- Thể nhẹ: Các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.

- Thể nặng: thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,...), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ - 2

Người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn da, với các biểu hiện sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục. Một số có thể bị viêm phổi (ho, tức ngực, khó thở),  viêm não (ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê), nhiễm khuẩn huyết (sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng).

Cũng theo hướng dẫn này, ca bệnh nghi ngờ gồm 2 trường hợp sau.

Thứ nhất là ca bệnh có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:

- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh. 

+ Có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng. 

Thứ hai là có bệnh cảnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ. 

Ca bệnh xác định là trường hợp có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với virus đậu mùa khỉ. 

Dựa trên triệu chứng sốt, phát ban và hạch to, cần chẩn đoán phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với các bệnh đậu mùa, thủy đậu, herpes lan tỏa và tay chân miệng. 

Về điều trị, với thể nhẹ chủ yếu điều trị triệu chứng như:

- Hạ sốt, giảm đau.

- Chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng.

- Bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải. 

- Cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có: viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức. 

- Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng phân tuyến điều trị theo thể bệnh. Theo đó, tại y tế xã/phường, quận/huyện sẽ điều trị ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnh. 

Tuyến tỉnh, trung ương sẽ tiếp nhận ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai), ca bệnh có biến chứng nặng. 

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị: 

- Giảm thị lực.

- Giảm ý thức, hôn mê, co giật.

- Suy hô hấp.

- Chảy máu, giảm số lượng nước tiểu.

- Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. 

Tiêu chuẩn xuất viện 

- Người bệnh cách ly tối thiểu 14 ngày và 

- Người bệnh hết các triệu chứng về lâm sàng (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các tổn thương cũ đã đóng vảy). 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm