Việt Nam ghi nhận ca mang thai cực hiếm, tỷ lệ 1 trên 50 triệu ca

Minh Nhật

(Dân trí) - Đây là một trường hợp rất hiếm gặp, tỷ lệ 1 trên 50 triệu ca mang thai, và đặc biệt lại là ca thai đôi hoàn toàn tự nhiên.

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành phẫu thuật cho một sản phụ mang thai đôi ở hai tử cung khác nhau. Đây là một trường hợp rất hiếm gặp, tỷ lệ 1 trên 50 triệu ca mang thai, và đặc biệt lại là ca thai đôi hoàn toàn tự nhiên.

Cụ thể, trường hợp này là sản phụ H.N.M.P., 29 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau bụng tăng dần khi đang mang thai lần 2, thai đôi 32 tuần.

Sau khi thăm khám, trên hình ảnh siêu âm các bác sĩ đã rất bất ngờ khi thai đôi của sản phụ này nằm tại hai tử cung khác nhau và đang có dấu hiệu chuyển dạ. Do trước đó sản phụ đã từng sinh bằng phương pháp mổ bắt thai nên các bác sĩ đã chỉ định sản phụ sinh bằng phương pháp phẫu thuật.

thai_doi2

Hình ảnh siêu âm của thai đôi nằm tại hai tử cung khác nhau (Hình minh họa).

Ca phẫu thuật diễn ra an toàn, 2 bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng lần lượt là 1,75kg và 1,55kg. Các bé được các bác sĩ chăm sóc ngay tại khoa Phẫu thuật và được chuyển đến khoa Sơ sinh của bệnh viện để theo dõi. Sức khỏe 3 mẹ con sản phụ sau phẫu thuật ổn định.

Về ca mang thai cực hiếm này, BSCKII Vũ Thị Dung - Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu cho biết: "Thông thường với những cặp song sinh thì 2 thai nhi sẽ phát triển song hành với nhau trong tử cung của sản phụ. Tuy nhiên với trường hợp của sản phụ P., 2 thai nhi lại phát triển riêng biệt ở 2 tử cung. Đây là trường hợp rất hy hữu lần đầu tiên chúng tôi tiếp nhận".

Để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh, các chuyên gia khuyến cáo sản phụ nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ và duy trì việc này cho đến ngày sinh. Trong trường hợp xuất hiện những dấu hiệu bất thường thì sản phụ cần phải đi khám toàn diện.

Các mốc khám thai cần chú ý

Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo các mốc khám thai định kỳ thai phụ cần chú ý như sau:

- Lần 1: Thử que thử thai chỉ kết quả 2 vạch (thời điểm chậm kinh 7-10 ngày là chính xác nhất), thai phụ nên đi siêu âm kiểm tra xem thai vào buồng tử cung hay chưa, loại bỏ trường hợp chửa ngoài tử cung.

- Lần 2 thời điểm trên 6 tuần tuổi: Siêu âm tim thai, sau mốc này, sau 2 tuần thai phụ nên kiểm tra tim thai một lần.

- Lần 3 thực hiện ở tuần thứ 11 đến 13 tuần 6 ngày: Siêu âm đo độ mờ da gáy (biết được các dị tật bẩm sinh) và làm xét nghiệm Double test sàng lọc dị tật.

- Lần 4 thực hiện ở tuần thứ 14 - 16: Siêu âm kiểm tra sự phát triển của thai, tư vấn các viên uống bổ sung vi chất tùy thuộc vào sức khỏe của sản phụ và em bé.

- Lần 5 thực hiện ở tuần thứ 16-20: Siêu âm kiểm tra hình thái mặt, mũi, chân tay xem có bất thường hay không và làm xét nghiệm Tripletest.

- Lần 6 thực hiện ở tuần thứ 20 - 24: Đây là mốc siêu âm rất quan trọng, giúp kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường (tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống, thận) và kiểm tra vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối. Thời điểm này thai phụ cũng có thể tiêm vaccine uốn ván.

- Lần 7 thực hiện ở tuần thứ 24 đến 27 tuần 6 ngày: Siêu âm đánh giá trọng lượng thai và nước ối.

- Lần 8 thực hiện ở tuần thứ 28: Thời điểm này thai phụ cần làm nghiệm pháp dung nạp đường xem có mắc phải tình trạng tiểu đường thai kỳ hay không; đồng thời tiêm uốn ván mũi 2.

- Lần 9 thực hiện ở tuần thứ 32: Siêu âm xem ngôi thai, nhau thai, chỉ số nước ối, sau đó 2 tuần kiểm tra lại một lần.

Lưu ý: Từ tuần 36 đến 38 thai phụ nên đi siêu âm 1 tuần/lần; từ tuần 38 đến 40 nên thường xuyên siêu âm kiểm tra để theo dõi tim thai, lượng nước ối.

Đặc biệt, trong quá trình mang thai nếu thai phụ thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra huyết, tiểu buốt,… cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.