Việt Nam ghi nhận 200.000 ca mắc mới ung thư
(Dân trí) - Tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư ngày càng tăng. Năm 2000, cả nước ghi nhận khoảng 69.000 ca, năm 2010 khoảng 127.000 ca, nhưng đến năm 2024, con số ước tính gần 200.000 ca mắc mới.
Tại sự kiện ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy nghiên cứu phát triển và công bằng y tế tại Việt Nam diễn ra ngày 27/6, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trong năm 2024, uớc tính khoảng 200.000 ca mắc mới ung thư, số tử vong là gần 140.000, trong khi trước đó là 180.000 ca mắc mới, hơn 120.000 ca tử vong.
Trong đó, dẫn đầu tỷ lệ mắc bệnh là ung thư vú, ung thư gan, ung thư phổi với tỷ lệ mắc mới và tử vong gia tăng theo từng năm.
Theo GS Quảng, với số bệnh nhân ung thư ngày càng gia tăng, Bệnh viện tổ chức nhiều kênh thông tin để tư vấn, hỗ trợ người bệnh. Như chương trình Tâm điểm ung thư cung cấp kiến thức cho cộng đồng có số lượng người theo dõi nhiều, phản hồi tích cực. Các câu lạc bộ bệnh nhân ung thư có tính cộng đồng, giúp bệnh nhân cảm giác không bị cô đơn, có người đồng cảnh sẻ chia.
"Tiêu chí trong ngành ung thư không chỉ phát hiện, tư vấn, điều trị bệnh, mà hướng tới khi bệnh nhân ra viện, trở lại xã hội họ được hòa đồng, vẫn tiếp tục công việc hàng ngày, luôn có cơ quan bạn bè, gia đình đồng hành suốt chặng đường, đó là sự sẻ chia, là động lực để bệnh nhân ung thư tiếp tục chiến đấu với bệnh tật", GS Quảng nói.
Theo các chuyên gia, công bằng về y tế với bệnh nhân ung thư, nhằm mục tiêu kéo dài thời gian sống trên 5 năm của người bệnh. Các đối tác đã luôn đồng hành cùng với bệnh viện trong việc triển khai nhiều phương pháp điều trị tiên tiến, hỗ trợ người bệnh.
Đặc biệt, trong lĩnh vực ung thư, việc phát hiện sớm rất có ý nghĩa. Dự án phát hiện sớm ung thư phổi đã mang lại giá trị rất lớn, khi nhiều người trong đối tượng nguy cơ cao được sàng lọc. Sắp tới, Bệnh viện tiếp tục các dự án sàng lọc ung thư vú, gan và huyết học.
GS Quảng cho biết, chương trình hợp tác này sẽ hướng tới việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ bệnh nhân giúp tăng cường tiếp cận các loại thuốc điều trị tiên tiến; Hợp tác chiến lược trong thực hiện các nghiên cứu lâm sàng trong lĩnh vực ung thư; Xây dựng và phát triển mạng lưới/trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến và trí tuệ nhân tạo trong y tế...
Đặc biệt, để thúc đẩy mục tiêu bình đẳng trong y tế, hai bên sẽ lên kế hoạch phát triển mạng lưới phòng chống ung thư quốc gia, phối hợp triển khai chương trình "Thương phổi" nhằm nâng cao nhận thức sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi trong cộng đồng.