1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam đủ năng lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Tại buổi làm việc nghiên cứu sản xuất vắc xin bệnh dịch tả lợn châu Phi, các đại biểu đồng tình cao với việc Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực, nguồn lực để sản xuất vắc xin dịch bệnh này trong thời gian tới.

Chiều 5/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh cùng chủ trì buổi làm việc với Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ về đề xuất nghiên cứu, sản xuất vắc xin bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Tại buổi làm việc, các đại biểu đồng tình cao với việc Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực, nguồn lực để sản xuất vắc xin dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian tới. 

Việt Nam đủ năng lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi - 1

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng tình cao về giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, trong đó có giải pháp về vắc xin, các đại biểu cho rằng, việc sớm nghiên cứu, sản xuất vắc xin bệnh dịch tả lợn châu Phi có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đề xuất sớm xây dựng Chương trình quốc gia để các Bộ, ngành cùng phối hợp và huy động nguồn lực của các doanh nghiệp tham gia.

Vi rút dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 5 châu lục, với 60 quốc gia trên thế giới. Trong vòng 1 thế kỷ qua, kể từ khi xuất hiện tại Kê-ni-a đến nay chưa có thuốc phòng, chống được vi rút này. Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Thống kê đến nay, có hơn 1.500 bài báo khoa học nói chung về bệnh dịch tả lợn châu Phi và khoảng 200 bài báo khoa học chuyên về vắc xin dịch tả lợn châu Phi…

Với nỗ lực ngăn chặn và khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngay từ khi dịch xuất hiện tại Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch ứng phó dịch tả lợn châu Phi đồng thời phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đã sản xuất bộ chẩn đoán nhanh vi rút dịch tả lợn châu Phi, qua đó góp phần khống chế dịch lây lan.

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện nông nghiệp Việt Nam cho biết, với các chủng vi rút đã phân lập cho thấy "hiệu giá" vi rút cao, đây là cơ sở để lựa chọn những chủng có tiềm năng để sản xuất vắc xin. Học viện đang tiếp tục để nhân trên tế bào dòng để nghiên cứu những đặc tính sinh học của vi rút dịch tả lợn châu Phi phân lập tại thực địa để lựa chọn ra các chủng có tiềm năng sản xuất vắc xin.

"Muốn sản xuất được vắc xin chúng ta phải có được các chủng vi rút và các kỹ thuật để lựa chọn chủng, đồng thời phải tập hợp đầy đủ các dữ liệu về đặc tính sinh học, di truyền của các chủng từ đó mới có thể sản xuất vắc xin. Chúng tôi đã nghiên cứu và giải trình tự được 7 chủng vi rút phân lập lấy tại 7 tỉnh đến nay đã làm được hơn 10 tỉnh với 20 chủng. Thấy rằng vẫn chỉ thuộc 1 chủng vi rút về nu-cờ-lê-ô-tít và a xít a min, đây là cơ sở khẳng định không phải có quá nhiều chủng đang lưu hành tại Việt Nam. Nhưng để tiếp tục thì mong muốn là tiếp tục nghiên cứu để rà soát hết chủng vi rút ở các tỉnh đã nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi" - bà Lan nói.

Việt Nam đủ năng lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi - 2

Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố; tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 73.000 con. 

Khẳng định tầm quan trọng của ngành chăn nuôi nói chung, và ngành chăn nuôi lợn nói riêng trong tăng trưởng nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, rất khó cho việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi nhưng phải làm vì không thể bỏ được ngành chăn nuôi. Điều này không chỉ có ý nghĩa đảm bảo an sinh xã hội cho hơn 2 triệu hộ chăn nuôi mà còn tiến tới chủ động nghiên cứu và sản xuất vắc xin cũng như có những giải pháp lâu dài đối với ngành chăn nuôi. 

"Thể hiện quyết tâm Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Y tế, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và các thành phần kinh tế quyết tâm trong thời gian ngắn nghiên cứu sản xuất hướng tới tương lại gần có thể chủ động được vắc xin, thứ hai nữa là hoàn thiện giải pháp an toàn sinh học cùng với ứng phó tức thì hiện nay với dịch tả lợn châu Phi" - Bộ trưởng Cường cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng giao Cục Thú y - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp thu các ý kiến đóng góp để xây dựng Đề án quốc gia nghiên cứu các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó chú trọng đến giải pháp về an toàn sinh học đối với 2 nhóm gồm: chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ và chăn nuôi trang trại. Đồng thời yêu cầu các Trung tâm nghiên cứu như Học viện nông nghiệp Việt Nam với thành quả bước đầu trong phân lập chủng vi rút tiếp tục mở rộng nghiên cứu. Đối với các thành phần kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý để lồng ghép các chương trình nghiên cứu với các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn về chăn nuôi trong nghiên cứu, liên kết, chuyển giao nếu sản xuất được vắc xin.

Nguyễn Dương