1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam đối mặt với nhiều chủng cúm nguy hiểm

(Dân trí) -Tổ chức y tế thế giới đánh giá, Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào là 3 quốc gia có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi các chủng cúm nguy hiểm xuất phát từ Trung Quốc.

Việt Nam đối mặt với nhiều chủng cúm nguy hiểm

Sáng 23/2 Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch  do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. Ảnh: H.Hải

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, dịch cúm trên người là dịch lây qua gia cầm. Vì thế, nếu không xảy ra dịch trên gia cầm thì cũng không xảy ra dịch bệnh trên người. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm lại đang diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa lây truyền bệnh sang người.

Tại Việt Nam, cúm A/H5N1 vẫn rình rập với 2 ca dương tính cúm A/H5N1 tử vong ngay đầu năm 2014. Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm xảy ra trên đàn gia cầm với 64 ổ dịch tại 16 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Vĩnh Long. Đáng ngại hơn, nhiều đàn gia cầm kết quả xét nghiệm dương tính cúm A/H5N1 nhưng lại không biểu hiện triệu chứng.

Tại 147 chợ bán gia cầm sống từ tháng 10/2012 - 9/2013 của 44 tỉnh, thành phố kết quả xét nghiệm gần 6% mẫu vịt (+) với cúm A(H5N1), trên 61% các chợ có vi rút cúm A(H5N1). Trong khi đó ghi nhận tại Việt Nam, cúm A/H5N1 vẫn là chủng có độc lực mạnh nhất với tỉ lệ tử vong hiện ở mức 50%. Riêng trong tháng 1/2014,  2/2 bệnh nhân mắc cúm gia cầm đều tử vong. Theo GS Hiển, đáng lưu ý ở 2 ca bệnh này, ngoài trường hợp mang vi rút cúm A/H5N1 cổ điển hiện diện ở miền Nam nhiều năm nay thì trường hợp còn lại là chủng vi rút cúm gia cầm miền của Bắc đã có sự biến đổi về nhánh gen.

Dịch cúm A/H7N9 vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, từ đầu năm 2014 đến nay có 208 trường hợp mắc mới, 20 ca tử vong, số ca mắc bệnh hiện có chiều hướng tăng nhanh. Tại Trung Quốc, mẫu xét nghiệm trên đàn gia cầm tỉ lệ dương tính cúm A/H7N9 rất thấp nhưng tỉ lệ bệnh nhân vẫn rất cao. Trung Quốc đã đóng cửa tạm thời chợ bán gia cầm sống một số tỉnh, thành phố, tiêu hủy gia cầm và khử trùng, tiêu độc; số mắc giảm từ tháng 6 -12/2013. Rõ ràng đóng cửa gia cầm là có tác dụng. Tuy nhiên, nhiều đàn gia cầm kết quả dương tính với cúm nhưng không biểu hiện, vì vậy, việc phát hiện các đàn gia cầm từ các tỉnh có dịch vào Việt Nam là rất khó khăn. Theo Bộ Y tế, nếu phát hiẹn ca bệnh hay gia cầm thì cần có hành động kịp thời như đóng cửa khu bán gia cầm, tiêu hủy và đốt các gia cầm nhiễm, bồi thường cho người bán gia cầm, điều tra ngược lại và làm xét nghiệm, làm sạch và khử trùng.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết đến nay qua giám sát chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh cúm AH7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Kết quả giám sát chủ động năm 2013-2014 trên 5.700 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng chưa phát hiện ca nhiễm cúm A/H7N9. Ngành nông nghiệp xét nghiệm 20.000 mẫu gia cầm, môi trường tại các chợ gia cầm của 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đều âm tính với vi rút cúm A/H7N9. Tuy vậy, đại diện Bộ Y tế tiếp tục khẳng định nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 vào Việt Nam rất lớn và bùng phát thành dịch ở người bất cứ lúc nào. “Nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất lớn. Từ trước đến nay Trung Quốc có dịch gì thì Việt Nam có dịch đấy”- ông Phu nói .

Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) cũng nhận định Việt Nam, Lào và Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm cúm A(H7N9) từ Trung Quốc.

Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng nhận định, dịch cúm A/H7N9 là mối hiểm họa với Việt Nam vì thế nếu tới đây có ca bệnh trên người thì không có gì ngạc nhiên. Cúm A/H7N9 có thể xuất hiện ở Việt Nam theo qua gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc khách nước ngoài đến từ vùng có dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh trên người, chặn ngay ở cửa khẩu ở hàng không, đường sắt. Để làm được điều này, cần phải có hệ thống giám sát thân nhiệt. Hiện  28/30 tỉnh có máy đang hoạt động nhưng đã hỏng mất 9 máy. Vì vậy, cần đề nghị chương trình giám sát cúm quốc gia duy trì giám sát rộng hơn, tăng cường giám sát trên bệnh nhân nguy cơ, lấy mẫu xét nghiệm của cúm A/H7N9 ở vùng nguy cơ cao.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện Việt Nam đang đứng trước nguy cơ nhiều dịch cúm gia cầm nguy hiểm bùng phát, xâm nhập.  Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam phải cùng lúc đối mặt với nhiều chủng cúm gia cầm như vậy. “Dịch cúm A/H7N9 chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng vẫn phải tuyên truyền để người dân không quá hoang mang lo lắng nhưng cũng không mất chủ quan. Đặc biệt, các cấp, ngành liên quan phải làm sao để khi các chủng mới xuất hiện cũng không gây tác hại giống như cúm A/H5N1 trước đây. Kế hoạch chống dịch cần phải rất cụ thể và rõ trách nhiệm. Nếu các địa phương ý thức hết trách nhiệm thì không chỉ với dịch cúm mà với các dịch bệnh khác việc ứng phó cũng sẽ tốt hơn”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các địa phương kiểm soát được gia cầm nhập lậu. Đồng thời, tuyên truyền mạnh để nâng cao hiểu biết của người dân. Bộ Y tế sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát công tác phòng chống dịch tại các tỉnh trọng điểm.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm