Việt Nam: 80% người nhiễm HIV/AIDS là nam giới
(Dân trí) - Đó là số liệu được Cục Phòng chống HIV/AIDS đưa ra tại Hội thảo “Chính sách và lập kế hoạch phòng chống HIV/AIDS” diễn ra mới đây tại Thừa Thiên - Huế.
"Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn diễn ra hết sức phức tạp, không chỉ ở những nhóm người có nguy cơ cao mà còn lây ra cả cộng đồng.
HIV/AIDS đang đe dọa trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng con người, trật tự an toàn xã hội, đến sự phát triển tương lai của đất nước, tương lai của nòi giống" - TS. Ted Hammet, GĐ Tổ chức sáng kiến chính sách y tế Hoa Kỳ tại Việt Nam lo ngại. |
“Tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng cao, trong khi công tác dự phòng HIV/AIDS ở nước ta chỉ mới tiếp cận được 1/3 số gái mại dâm, 1/20 số người đồng tính nam, 1/50 số người tiêm chích ma tuý. Trong khi đó, không ít cán bộ lãnh đạo quản lý chưa quan tâm đến phòng chống HIV/AIDS, và vẫn cho rằng HIV/AIDS là việc của người khác, cơ quan khác” - TS. Lưu Đạt Thuyết, PGĐ Dự án Chính sách phòng chống HIV/AIDS bức xúc.
Đừng xem HIV/AIDS như một sự chết chóc
GS. Lisa Messersmith, trường ĐH Boston cho rằng: “Không ai có thể đại diện cho người có HIV hơn chính những người đang sống chung với nó. Hãy để những người đang sống chung với loại vi rút này được tham gia vào những quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Công tác phòng chống HIV/AIDS đang thiếu sự phối hợp của cộng đồng, và nhiều người vẫn xem HIV như một sự chết chóc, quan niệm về HIV/AIDS rất mơ hồ.
Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam, tính đến hết năm 2008, số người bị nhiễm HIV/AIDS là 135.171 người, trong đó 29.134 trường hợp đã chuyển sang AIDS. Từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên đến nay đã có 41.418 bệnh nhân chết vì AIDS. Nhiễm HIV/AIDS ở nước ta tập trung ở độ tuổi 20-49 (gần 90%) trong tổng số các trường hợp được phát hiện, trong đó 80% là nam giới, 20% là phụ nữ. |
Trong khi đó tại nước ta, nạn kì thị và phân biệt rất lớn, nên rất khó lôi kéo người bị nhiễm HIV/AIDS tham gia vào nhiều cấp độ khác nhau để cùng nhau phòng chống. Nếu không chung tay vì cộng đồng, tỷ lệ này sẽ còn cao hơn nữa”.
Cũng theo GS. Lisa Messersmith, ngoài lây lan qua đường quan hệ tình dục, các tỉnh miền Bắc và miền Trung lây truyền qua tiêm chích ma tuý cao hơn miền Nam. 40% gái mại dâm Hà Nội có tiêm chích ma tuý. Tình trạng dùng chung bơm kiêm tiêm với bạn chích là 50%, TPHCM là 40%. Vì vậy, ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong khống chế lan tràn HIV ở Việt Nam.
Cho nên, “ngoài những biện pháp để ngăn chặn HIV/AIDS thường dùng, như thông tin giáo dục truyền thông về phòng chống HIV/AIDS; huy động gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống HIV/AIDS; chúng ta cần có những biện pháp xã hội khác như tư vấn về phòng chống HIV/AIDS, can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm, lồng ghép nội dung phòng chống HIV/AIDS trong chương trình phát triển kinh tế xã hội” - TS. Lưu Đạt Thuyết nhấn mạnh.
Thanh Thảo