Viên thuốc còn nguyên vỉ “đóng” ngang thực quản bệnh nhân

(Dân trí) - Nửa đêm dậy uống thuốc điều trị cảm cúm, nữ bệnh nhân bỏ sót 1 viên không bóc vỉ. Bị vỉ thuốc chắn ngang thực quản, bà dùng mẹo nuốt cơm đẩy xuống dạ dày nhưng bất thành phải nhập viện cấp cứu.

Ca hóc dị vật hi hữu trên là trường hợp của nữ bệnh nhân V.T.M. (57 tuổi, ngụ tại Dầu Tiếng, Bình Dương). Trước khi tai nạn xảy ra, bà M. bị cảm cúm đang trong thời gian điều trị bằng thuốc.

Tối 9/7, nữ bệnh nhân tỉnh giấc thấy cơ thể mệt mỏi, đau nhức, không muốn bật đèn làm ảnh hưởng đến mọi người, bà mò mẫm lấy thuốc uống.

Hình ảnh nội soi ghi nhận vỉ thuốc chắn ngang thực quản bệnh nhân
Hình ảnh nội soi ghi nhận vỉ thuốc chắn ngang thực quản bệnh nhân

Bóng tối khiến bà không thể nhận ra, trong số thuốc bà uống còn 1 viên chưa được bóc vỉ. Khi uống nước để đưa thuốc từ khoang miệng xuống đường tiêu hóa thì một cảm giác hóc nghẹn chặn ngang vùng hầu họng. Nghĩ là mình đang bị viên thuốc mắc ngang cổ, bà dùng “mẹo” lấy cơm để nuốt nhằm tống viên thuốc xuống dạ dày nhưng bất thành.

Những cơn đau ngày càng dữ dội kèm theo khó thở khiến bệnh nhân phải chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng nuốt vướng, không ăn được, đau nhiều vùng hạ họng, không thể nằm thẳng người. Qua thăm khám, chụp X-quang vùng thực quản, bác sĩ ghi nhận có dị vật đoạn ngang đốt sống cổ C4-C5.

Sau khi hội chẩn, người bệnh được chỉ định nội soi thực quản và gắp thành công dị vật là một vỉ thuốc còn nguyên vỏ với các cạnh sắc nhọn, đường kính khoảng 2,5cm. Sau thủ thuật, bệnh nhân hết nuốt vướng, không ho khạc ra máu, sức khỏe nhanh chóng bình phục.

Sau thủ thuật lấy dị vật, bệnh nhân nhanh chóng bình phục
Sau thủ thuật lấy dị vật, bệnh nhân nhanh chóng bình phục

Từ trường hợp trên, BS Sơn Parắchh khuyến cáo: “Nuốt phải dị vật là một tai biến thường gặp trong y khoa. Một số người bệnh thường dùng các phương pháp dân gian để chữa như nuốt cơm, nuốt chuối, dùng tay cố móc dị vật ra… có thể làm dị vật cắm sâu hơn vào họng hoặc rơi xuống thấp hơn gây khó khăn cho việc xử lý. Trong trường hợp này, vỉ thuốc rất sắc nhiều cạnh đã tiếp xúc vào lớp niêm mạc thực quản thành trước và sau, nguy cơ gây thủng thực quản.”

Nếu dị vật gây thủng thực quản thủng sẽ khiến bệnh nhân đối mặt với tình trạng viêm trung thất, trường hợp dị vật di chuyển xuống ruột non, ruột già sẽ gây viêm, tắc hoặc thủng ruột dẫn đến viêm phúc mạc. Đó là những biến chứng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Để tránh tai nạn tương tự, mọi người nên ăn uống trong điều kiển đủ ánh sáng; ăn chậm, nhai kỹ, khi uống thuốc cần chú ý những viên có kích thước lớn, kiểm tra kỹ để tránh trường hợp viên thuốc còn nguyên vỉ. Khi có dấu hiệu hóc dị vật, những phản xạ ho khạc của cơ thể không tống được ra ngoài, nạn nhân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Vân Sơn