Khánh Hòa:

Viện phí vẫn “chạy” trước chất lượng khám chữa bệnh!

(Dân trí) - Sau 1 tháng áp dụng viện phí mới với mức tăng từ 2 - 18 lần, chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện ở Khánh Hoà dường như “đứng im”.

Chất lượng dịch vụ y tế chưa có nhiều chuyển biến sau 1 tháng thực hiện giá viện phí mới

Chất lượng dịch vụ y tế chưa có nhiều chuyển biến sau 1 tháng thực hiện giá viện phí mới
  

Thực hiện theo Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, từ ngày 2/8, các cơ sở y tế trên toàn tỉnh Khánh Hòa cũng đã áp dụng khung giá mới. Trong lần thay đổi giá dịch vụ y tế này, nếu so với mức điều chỉnh chung của cả nước Khánh Hòa đang là một trong 4 địa phương có mức tăng viện phí cao nhất với gần 91% so với khung giá tối đa cho phép. Hầu hết giá các dịch vụ y tế theo các bảng giá của tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành đều tăng so với giá quy định hiện hành từ 2 - 15 lần; 1 số dịch vụ tăng đến 18 lần, có tổng cộng gần 1.500 dịch vụ y tế được điều chỉnh, trong đó, giá dịch vụ cao nhất là hơn 19 triệu đồng và dịch vụ có giá thấp nhất là 3.000 đồng.

 

Cụ thể, tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bệnh viện hạng I, mức giá điều chỉnh là khá cao. Hiện mức giá khám bệnh đã tăng từ 3.000 lên 20.000/lượt, cao hơn bệnh viện hạng II là 5.000 và bệnh viện hạng III là 10.000; giường bệnh cũng đã tăng từ 18.000 lên 150.000/ngày…Theo lãnh đạo bệnh viện tỉnh, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này là cần thiết vì có như thế mới bù

được thiếu hụt lâu nay trong chi phí khám, điều trị bệnh, hơn nữa có thêm chi phí đầu tư nâng cao chất lượng khám, điều trị. Bệnh viện cũng đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao chất lượng để tương xứng với mức giá mới mà người bệnh phải trả.

 

Theo ông Cao Việt Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: “Ở bệnh viện có những bảng thông báo về giá viện phí mới ở tất cả các khoa phòng và khu khám bệnh và cán bộ công nhân viên phải được hiểu cho đúng về việc tăng giá viện phí này để nói cho bệnh nhân hiểu việc tăng giá viện phí lần này là cần thiết. Bệnh viện cũng đang tiến hành nâng cấp một số hạng mục để phục vụ tốt hơn, như hệ thống phòng khám sẽ lắp đặt máy lạnh để công tác khám bệnh tốt hơn, mở nhiều phòng khám chuyên khoa để nâng cao chất lượng khám bệnh, nâng cấp một số phòng, phòng nào cần lắp đặt máy điều hòa không khí thì lắp đặt”.

 

Nhiều biện pháp đã được nêu ra, song theo phản ánh, chất lượng khám chữa bệnh tại Bệnh viện vẫn chưa có nhiều thay đổi so với trước khi giá viện phí được điều chỉnh. Theo khảo sát, hiện tại, ngoài việc chuyển 100 giường yêu cầu thành giường bình thường tại một số khoa, phòng; bật máy lạnh thay vì dùng quạt như trước đây tại Khoa hồi sức cấp cứu và treo bảng thông báo giá khám bệnh mới như thế này tại khu khám bệnh thì vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể. Giá điều chỉnh theo hướng tăng cao, trong khi tình trạng quá tải khi khám bệnh cũng như nằm ghép vẫn diễn ra, điều này khiến không ít người dân bức xúc.

 

Ông Tống Công Bình, một bệnh nhân, cho biết: “Từ ngày 1/8, giá viện phí tăng rất cao, ví dụ như hồi trước có 3 ngàn bây giờ là 20 ngàn, còn một số viện phí khác như tiền giường, khám chữa bệnh, tiền thuốc tăng quá cao”.

 

Chị Lê Thị Thủy, người nhà bệnh nhân bức xúc: “Không nói đến người nhà nhưng nói đến người bệnh nhiều lúc cử động hay cựa lưng gì đó cũng khó khăn, vất vả lắm. 2 người nằm một giường vất vả lắm. Muốn tăng phí sao mà chất lượng tăng lên một chút xíu và bác sĩ quan tâm tới bệnh nhân một chút xíu. Nhiều lúc em thấy bác sĩ, y tá chưa quan tâm tới bệnh nhân lắm”.

Người dân thì đã phải chi trả mức viện phí mới trong khi đó chất lượng vẫn chưa có gì thay đổi. Trả lời cho nghịch lý này, lãnh đạo bệnh viện cho biết: Vì chưa có kinh phí, tất cả phải đợi vài tháng sau khi có nguồn thu. Rõ ràng, câu trả lời này vẫn chưa thỏa đáng, bởi lẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các bệnh viện phải có sự chuẩn bị chu đáo trước khi tăng giá viện phí. Có thể nói, việc áp dụng giá mới trong khi chất lượng chưa được cải thiện đã khiến dư luận cũng như người bệnh bức xúc.

 

Không những vậy việc tăng viện phí cũng là một vấn đề không nhỏ, đặc biệt đối với người không tham gia bảo hiểm y tế phải đóng 100% chi phí khám chữa bệnh. Ngay cả những đối tượng đã có thẻ bảo hiểm y tế như người nghèo, người cận nghèo, người lao động… cũng sẽ chịu sự tác động khá lớn vì theo quy định của bảo hiểm y tế họ phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh từ 5% - 20%.

 

Gần cả tháng nay, 2 vợ chồng bà Đặng Thị Linh, người dân TP Nha Trang thấp thỏm vì không biết sau khi viện phí được điều chỉnh, số tiền mà gia đình phải trả hàng tháng sẽ tăng thêm bao nhiêu. Cả năm nay, 1 tháng vài lần, bà Linh phải đưa chồng vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chạy thận nhân tạo. Kinh tế gia đình đã thiếu hụt, nay giá viện phí lại tăng.

 

Bà Linh cho biết: “Một tháng ở đây cũng gần 3 triệu, còn tiền thuốc thang ở ngoài thêm vô cũng khoảng 4 triệu, ở gia đình không ai làm ra tiền vì tui phải nuôi ổng, phải nhờ con rất là khó khăn. Lúc mới vô thì đóng 1 tháng 1 lần, bây giờ 1 tháng đóng 2 lần, 1 lần 1 triệu rưỡi”.

 

Không riêng gì bà Linh, nhiều người dân, đặc biệt là những người mắc căn bệnh mãn tính phải điều trị dài ngày, cũng đứng ngồi không yên với giá viện phí mới. Nhiều bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Phục hồi chức năng đã phải ra viện vì chi phí khá cao so với trước.

 

Ông Tống Công Bình, bệnh nhân nói: “Các bệnh khác thì điều trị 1 ngày, vài tháng hay bao nhiêu thì người ta khỏi, còn bệnh tai biến thì rất là lâu mà giờ viện phí tăng thì khổ cho người dân”.

 

Hiện, Khánh Hòa còn hơn 40% người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Ngay cả khi tỉnh hỗ trợ 85% mức mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo thì vẫn chỉ có khoảng 42% đối tượng này mua thẻ bảo hiểm. Trong tình hình vật giá leo thang hiện nay, việc tăng viện phí sẽ càng là gánh nặng đối với người dân, đặc biệt là người dân nghèo.

 

Quang Thịnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm