Viêm đại tràng - điều trị càng sớm càng tốt

(Dân trí) - Viêm đại tràng là một bệnh phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam với tỷ lệ mắc bệnh lên tới 20% dân số. Bệnh rất khó khỏi dứt điểm khi đã chuyển sang giai đoạn mạn tính, vì vậy, người bệnh cần điều trị trong giai đoạn sớm để ngăn ngừa các biến chứng.



Viêm đại tràng - ngày càng phổ biến

Viêm đại tràng - ngày càng phổ biến

Đại tràng là phần cuối của ống tiêu hóa, có chức năng hấp thu nước, muối khoáng từ thức ăn, phân hủy bã thức ăn thành phân và co bóp bài tiết phân qua trực tràng. Khi chức năng đại tràng bị suy giảm sẽ là phân bị ứ đọng, chất độc và cặn bã không được thải loại ra ngoài làm cho ngực bụng đầy tức, đại tiện táo, hoặc nát, khó đi.

Người bị viêm đại tràng thường có cảm giác mệt mỏi, ăn ngủ kém, chán ăn, giảm trí nhớ… Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính, người bệnh sẽ gầy yếu, xanh xao, thể lực suy kiệt do thiếu chất dinh dưỡng, thiếu nước và chất điện giải.

Các bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo, để hạn chế và tránh bệnh phát triển thành mạn tính, người bị viêm đại tràng cần điều trị tích cực ngay khi phát hiện bệnh. Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính sẽ rất khó chữa trị vì lúc này, bệnh đã gây ra những tổn thương sâu, rộng trên biểu mô niêm mạc đại tràng. Nhiều bệnh nhân phải chấp nhận chung sống với bệnh trong nhiều năm hoặc cả đời, thậm chí còn có nguy cơ gặp các biến chứng nặng nề.

Điều trị càng sớm càng tốt

Để ngăn chặn bệnh chuyển thành mãn tính, trước tiên, người bệnh cần phải phát hiện bệnh sớm. Vì vậy, khi thấy có các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi phân lúc lỏng, lúc táo, đầy bụng, đau âm ỉ bụng dưới hoặc đau dọc khung đại tràng, đau tăng khi ăn và trước khi đại tiện, dễ dị ứng với đồ ăn…, người bệnh cần đi khám phát hiện bệnh để có phương án điều trị sớm.

Khi bị đau bụng đi ngoài, người bệnh không nên tự ý dùng kháng sinh hoặc các loại thuốc cầm tiêu chảy vì biện pháp này không giúp chữa dứt điểm bệnh mà khi dùng thuốc không đúng cách rất dễ dẫn tới nhiều hệ lụy, đơn cử như: nếu uống chưa đủ liều sẽ không đạt hiệu quả điều trị, bệnh dai dẳng dễ tái phát thành mạn tính, uống quá nhiều lại dễ bị ngộ độc thuốc hoặc gặp nhiều tác dụng không mong muốn. Hơn nữa, các thuốc trên chủ yếu điều trị triệu chứng, các tổn thương trên lớp niêm mạc đại tràng lại cần thời gian để phục hồi nên dễ bị tái phát.

Không được chữa trị dứt điểm, lại thường xuyên phải tiếp xúc với thức ăn và co bóp nên lớp niêm mạc đang bị viêm trở nên rất dễ kích ứng khiến bệnh dễ tái phát trở lại, lâu dần bệnh sẽ chuyên sang giai đoạn mạn tính.

Huyền Linh