1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao xảy ra sự cố tiêm phải vaccine hết hạn?

Hà An

(Dân trí) - Sự việc 4 trẻ ở Thanh Hóa bị tiêm vaccine hết hạn được xác định do bảo quản vaccine không đúng quy định, để lẫn vaccine hết hạn với loại còn hạn; cán bộ tiêm không thực hiện kiểm tra kỹ trước tiêm.

Vaccine là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên nhằm kích thích cơ thể sinh miễn dịch chủ động đặc hiệu để phòng chống các tác nhân gây bệnh. 

Tiêm vaccine là đưa trực tiếp một sinh phẩm vào cơ thể, do đó cần đảm bảo tuyệt đối chất lượng của vaccine nhằm đảm bảo sự an toàn, sức khỏe của người được tiêm, cũng như đảm bảo hiệu quả phòng bệnh do vaccine mang lại. 

Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn về việc bảo quản vaccine, hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng…

Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, việc bảo quản, thực hiện các bước rà soát trước tiêm đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Vì sao xảy ra sự cố tiêm phải vaccine hết hạn? - 1

Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về việc bảo quản vaccine (Ảnh: V.C).

Bảo quản đúng nhiệt độ quy định

Vaccine chỉ đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi được bảo quản với các tiêu chuẩn theo quy định, đúng nhiệt độ. Ngày nay, hệ thống bảo quản lạnh theo tiêu chuẩn GSP cùng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh giúp vaccine được bảo đảm đồng nhất nhiệt độ ở tất cả vị trí, đảm bảo chất lượng vaccine.

Ngoài ra, với những vaccine đặc biệt yêu cầu bảo quản nhiệt độ âm sâu đến âm 86 độ C, đều phải có kho rã đông chuyên dụng riêng được kiểm soát nhiệt độ trong giới hạn tiêu chuẩn, đảm bảo vaccine được rã đông an toàn, đúng cách trước khi sử dụng. 

Các cơ sở tiêm chủng cần đảm bảo nguồn điện cung cấp cho các kho lạnh (tốt nhất là luôn có tối thiểu từ 2 nguồn điện).

Tủ bảo quản vaccine cũng cần phải là tủ chuyên dụng, với hệ thống bảo quản nhiệt độ đồng bộ nhiệt kế tự ghi và camera giám sát. Vaccine không sử dụng hết trong ngày cần được đưa về kho lạnh đạt chuẩn GSP nhằm giám sát ở mức độ an toàn cao hơn. 

Giám sát hạn sử dụng của vaccine

Công tác trong lĩnh vực tiêm chủng, bà Ngô Thị Tuyết Sương cho biết, tất cả các vaccine không đủ điều kiện sử dụng hoặc hết hạn sử dụng sẽ được chuyển đến khu biệt trữ trong kho lạnh và xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuyệt đối không bảo quản lẫn vaccine hết hạn sử dụng với vaccine còn hạn, nhằm đảm bảo không có sự nhầm lẫn.

Nhiều cơ sở tiêm chủng hiện áp dụng phần mềm quản lý hàng hóa hiện đại. Điều này cho phép theo dõi đến từng lọ vaccine với đầy đủ thông tin cần thiết, có thông báo cảnh báo hạn sử dụng vaccine, điều phối cung ứng phù hợp tồn kho và nhu cầu sử dụng.

Đặc biệt, quy trình này còn được giám sát thông qua hệ thống phần mềm chốt chặn. Những bộ phận liên quan không thể thực hiện các thao tác xuất, nhập kho các loại vaccine đang có cảnh báo về hạn sử dụng.

Vì sao xảy ra sự cố tiêm phải vaccine hết hạn? - 2

Bố, mẹ khi đưa con đi tiêm cũng sẽ được xem lọ vaccine trước khi được tiêm cho trẻ (Ảnh: V.C).

Quy trình chặt chẽ và hệ thống phần mềm công cụ hiện đại này không cho phép vaccine quá hạn sử dụng được đưa ra khỏi kho, mà phải chuyển vào khu vực biệt trữ để chờ thực hiện hoàn, hủy theo quy định. Hệ thống quản lý, cảnh báo hạn sử dụng vaccine được thiết lập ở cả kho tổng và kho lẻ. Do đó, nhiều lớp chốt chặn sẽ không cho phép vaccine hết hạn được chuyển đến phòng tiêm chủng.

Thực hiện tiêm chủng an toàn

Theo bà Ngô Thị Tuyết Sương, ngày nay ở một số nơi vẫn còn tình trạng bảo quản vaccine trong tủ đông, tủ lạnh gia dụng. Nhiệt độ có thể hiển thị 2-8 độ C, nhưng thực tế rất khó đảm bảo vì nhiều yếu tố như thời gian đóng mở liên tục, nguồn điện, mật độ hàng hóa bên trong.

Để thực hành tiêm chủng an toàn cần thực hiện các bước sau:

- Khám sàng lọc:

Việc khám sàng lọc nhằm phát hiện bất thường, đảm bảo người tiêm chủng đủ điều kiện sức khỏe để tiến hành tiêm, hạn chế tối đa những phản ứng sau tiêm. Các bước thăm khám sàng lọc trước khi tiêm bao gồm: Khai thác tiền sử và các thông tin có liên quan, đánh giá tổng trạng sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt, nghe tim, phổi…, kết luận và đưa ra chỉ định tiêm chủng phù hợp.

Bác sĩ khám sàng lọc đưa ra quyết định là khách hàng có đủ điều kiện để tiêm chủng hay không. Công tác này tiếp tục được các điều dưỡng thực hiện, kiểm tra và đối soát một lần nữa tại phòng tiêm.

- Kiểm tra vaccine trước tiêm:

Để tránh nhầm lẫn, khi người vào tiêm cần phải được hỏi lại tên, ngày tháng năm sinh.

Vaccine khi lấy ra phải kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu vaccine, kiểm tra tên vaccine, tác dụng phòng bệnh, nhà sản xuất, nước sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, tính toàn vẹn của vaccine… cũng như liều dùng, đường dùng… với người được tiêm (người giám hộ).

Đồng thời, nhân viên y tế hướng dẫn khách hàng kiểm tra, đối chiếu với chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp khách hàng được tiêm đúng loại vaccine, tiêm an toàn, an tâm về chất lượng vaccine và chất lượng tiêm chủng.

Đây là bước "chốt chặn" quan trọng để nhân viên điều dưỡng và khách hàng cùng đối chiếu giám sát chất lượng vaccine bằng cảm quan và các thông tin được hiển thị trên vỏ hộp, lọ vaccine. Cần thực hiện tuân thủ đúng nguyên tắc 3 đúng của cơ quan chuyên môn quy định là "đúng loại vaccine, đúng đường tiêm, đúng liều lượng sử dụng".

- Theo dõi sau tiêm chủng:

Mỗi cá thể phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ trong vòng 30 phút sau tiêm.

Vì thế, sau tiêm cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút để kịp thời phát hiện, xử trí phản ứng nếu có. Sau tiêm chủng, cần tiếp tục theo dõi phản ứng trong 72 giờ tại nhà.