1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao Việt Nam cần thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch?

Minh Nhật

(Dân trí) - Nhiều nước đã chuyển từ "Zero Covid-19" thành sống chung với Covid-19. Nghĩa là bên cạnh chúng ta vẫn có thể có F0 nhưng chúng ta chung sống an toàn với dịch bệnh.

Ngày 9/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch; chỉ đạo việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19 bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Hồi cuối tháng 11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, thay vì đánh giá cấp độ dịch theo 3 tiêu chí như hiện nay, Bộ Y tế sẽ tập trung vào việc giảm tỷ lệ ca nhập viện, giảm bệnh nhân nặng, tử vong và lấy đó làm chỉ tiêu đánh giá cấp độ dịch.

Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Truyền nhiễm Việt Nam khóa VI, diễn ra ngày 14/1, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam, để có cái nhìn sâu hơn về kế hoạch thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch.

Giảm tỷ lệ tử vong là mấu chốt để "sống chung Covid-19"

PV: Bộ Y tế dự kiến có phương án đánh giá cấp độ dịch mới. Thay vì chú trọng số ca nhiễm sẽ chú trong số bệnh nhân nặng và tử vong, theo ông vì sao lại có sự điều chỉnh này?

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Trước hết phải nói đại dịch Covid-19 đã xảy ra được 2 năm và diễn biến vô cùng phức tạp, rất khó lường, đặc biệt là với sự xuất hiện của các biến chủng mới.

Vì sao Việt Nam cần thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch? - 1

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam (Ảnh: M.T.).

Các biến chủng mới luôn liên quan đến 3 vấn đề:

Một là tính lây nhiễm của các chủng mới luôn cao hơn các chủng cũ. Có thể thấy, chủng Omicron xuất hiện thì tính lây nhiễm cao hơn chủng Delta đến 4,2 lần. Vậy rõ ràng trong một lúc có thể lây cho rất nhiều người và chu kì lây nhiễm sẽ ngắn hơn.

Vấn đề thứ hai là về độc lực của các chủng mới. Theo quy luật tự nhiên, virus nào lây lan càng nhanh càng mạnh thì độc lực của nó càng phải yếu đi.

Vấn đề thứ ba, vô cùng quan trọng, có thể thấy thực tế nhiều người đã tiêm 2 mũi, 3 mũi vaccine Covid-19 nhưng vẫn có thể bị lây nhiễm. Do đó, việc tiêm vaccine Covid-19 được đánh giá không phải để ngăn chặn đại dịch này, mà để giảm những ca diễn biến nặng và trên cơ sở đó giảm tỷ lệ tử vong.

Trước đây, nhiều nước thực hiện chiến lược "Zero Covid-19". Chúng ta cố gắng xét nghiệm, sàng lọc để đưa những người F0 đi cách ly, để ngăn không cho nguồn lây trong cộng đồng. Tuy nhiên bây giờ chúng ta truy vết và cách ly không chạy kịp tốc độ lây nhiễm của virus.

Vấn đề tiếp theo, với những kinh nghiệm ban đầu của Omicron và Delta, người ta nhận thấy những ca bệnh không triệu chứng ngày một nhiều hơn. F0 không triệu chứng trở thành nguồn lây cho cộng đồng và xã hội nhưng sức khỏe của người đấy không bị ảnh hưởng nhiều.

Do đó, nhiều nước đã chuyển từ "Zero Covid-19" thành sống chung với Covid-19. Nghĩa là bên cạnh chúng ta vẫn có thể có F0 nhưng chúng ta chung sống an toàn với Covid-19. Việt nam cũng đang thực hiện chiến lược này.

Nếu thực hiện "Zero Covid-19" thì phải phong tỏa trên diện rộng, tổ chức xét nghiệm số lượng người rất lớn, để tách Covid-19 ra khỏi cộng đồng. Điều này với thế giới hiện nay là không khả thi.

Vì sao Việt Nam cần thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch? - 2

Nhiều nước đã chuyển từ "Zero Covid-19" thành sống chung với Covid-19. Việt Nam cũng đang thực hiện chiến lược này (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Nhiều nước hiện nay coi F0 không triệu chứng không phải là bệnh nhân mà chỉ là người lành mang trùng.

Người lành mang trùng có nguy cơ lây nhiễm cho người khác thì phải cách ly họ. Thế nhưng chúng ta không nên cách ly tập trung, vì cách ly tập trung liên quan đến các dịch vụ, chăm sóc và nhiều thứ khác. Do đó, nếu có điều kiện cách ly các F0 không triệu chứng tại nhà là điều rất tốt. Chưa kể với các trường hợp nhẹ thì không cần thiết đến bệnh viện. Nếu chăm sóc tại nhà tốt, sau 3 - 5 ngày bệnh nhân sẽ khỏi.

Tuy nhiên cũng sẽ có một tỷ lệ nhất định, đặc biệt là những trường hợp nguy cơ cao như: người già, có bệnh nền như mỡ máu, huyết áp cao, bệnh thận, bệnh gan… có thể diễn biến nặng hơn.

Chúng ta cần giám sát chặt diễn biến những ca bệnh đó tại nhà, cộng đồng để đưa người có diễn biến nặng vào bệnh viện kịp thời. Việc này giúp bệnh nhân được điều trị tốt hơn và giảm nguy cơ tử vong.

Đây là chiến lược mà chúng ta đang thực hiện.

PV: Theo ông việc chiến lược mới của Việt Nam tập trung vào số ca nặng, ca tử vong sẽ có giá trị như thế nào?

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Giá trị thứ nhất là chúng ta giảm được quá tải bệnh viện; thứ hai là giảm tỷ lệ tử vong.

Vì sao Việt Nam cần thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch? - 3

Chúng ta dồn trang thiết bị hiện đại như máy thở, ECMO cho các ca nặng, từ đó giúp giảm tỷ lệ tử vong (Ảnh: Mạnh Quân).

Bất cứ bệnh lý nào mà nguy cơ tử vong cao thì người ta đều e ngại.

Chiến lược mới, nếu như người mắc bệnh mà có thể tự chữa khỏi tại nhà thì không cần phải đến bệnh viện. Điều này sẽ giúp giảm tốn kém cho người dân, đỡ tạo áp lực cho cán bộ y tế.

Chúng ta dồn trang thiết bị hiện đại như máy thở, ECMO cho các ca nặng. Từ đó, sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong thì người dân sẽ an tâm hơn và chúng ta không quá lo ngại về vấn đề này nữa.

Khó dự đoán diễn biến dịch sắp tới

PV: Với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, xin ông đưa ra dự đoán về tình hình dịch trong giai đoạn mới?

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Về diễn biến dịch trong giai đoạn tới, để đưa ra dự đoán là rất khó. Thế giới mới xuất hiện Omicron nhưng sau sẽ lại tiếp tục có những biến chủng khác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin tưởng rằng, với sự bao phủ vaccine Covid-19 rộng rãi trên toàn cầu và rất nhiều nước đã tiêm mũi 3, thậm chí Israel đã tiêm mũi 4, sẽ giúp hạn chế được các biến chủng sau này.

Thêm vào đó, nếu các biến chủng sau này chỉ là thể nhẹ thì người dân cũng sẽ có miễn dịch tự nhiên với các chủng đấy.

Về nguyên tắc, đại dịch bùng lên nhưng rồi nó cũng phải kết thúc, vấn đề là thời gian.

Hy vọng rằng trong một thời gian không xa, Covid-19 sẽ kết thúc.

Di chứng Covid-19 chủ yếu do rối loạn tâm lý

Vì sao Việt Nam cần thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch? - 4

Bệnh nhân điều trị hậu Covid-19 tại TPHCM (Ảnh: H.L.).

PV: Một bộ phận không nhỏ người bệnh sau khi mắc Covid-19 để lại những di chứng hậu Covid-19. Những di chứng này có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ sau này hay không, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Thế giới vẫn đang theo dõi những người mắc Covid-19 và thấy rằng có một số di chứng hay đúng hơn là biến chứng. Có người cảm thấy mệt mỏi, cũng có nhiều người đôi lúc cảm thấy khó thở nhưng trong phổi lại không thấy tổn thương. Những di chứng chủ yếu vẫn là do mặt tâm lý, sự sợ hãi với bệnh dịch. Do đó, rối loạn hay gặp nhất là hội chứng trầm cảm sau khi mắc Covid-19 hoặc ảnh hưởng đến trí nhớ.

Có thể sau một thời gian, các di chứng này lại hết, nhưng bao giờ hết hoặc tồn tại trong bao lâu thì chúng ta cần nghiên cứu và theo dõi thêm.

PV: Vậy làm thế nào để có thể khắc phục được những di chứng này?

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Những người mắc di chứng hậu Covid-19 nên được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc tâm lý, rối loạn tâm thần để được kiểm tra các vấn đề về thực thể. Hiện nay, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cũng đã lập thêm khoa chống rối loạn tâm lý Covid-19 để tư vấn và điều trị cho bệnh nhân.

Xin cảm ơn ông!

Sáng 14/1, Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Truyền nhiễm Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2022-2027, nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó với biến chủng mới của SARS-CoV-2.

Vì sao Việt Nam cần thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch? - 5

TS Phạm Ngọc Thạch (trái) được bầu làm Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam (Ảnh: M.N.).

Tại Đại hội, các đại biểu cũng đã bầu TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch thường trực khóa V, làm Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2022 - 2027. GS.TS Nguyễn Văn Kính được bầu làm Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam.