1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao TPHCM chưa tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi vào ngày mai?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, địa phương sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn về việc phê duyệt loại vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ.

Chiều 21/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM đã tổ chức cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Trao đổi về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trên tinh thần văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế ngày 14/10, Sở đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ trình UBND TPHCM phê duyệt, đồng thời tiến hành họp với một số sở ngành liên quan.

TPHCM đã thống kê được khoảng 780.000 cháu đi học, khoảng 10.000 cháu không đi học hoặc học các hệ khác. Tất cả các trẻ này sẽ được tiêm trong thời gian diễn ra chiến dịch, ở các điểm tiêm cộng đồng như bệnh viện, trạm y tế hoặc trường học.

Ông Hưng khẳng định, TPHCM sẽ triển khai tiêm ngay sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn về việc phê duyệt loại vaccine Covid-19 dùng cho trẻ. "Hiện tại, vẫn chưa biết cụ thể mốc thời gian chính xác được tiêm" - ông Hưng nói.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết thêm, việc tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý từ phụ huynh. Trước khi tiêm, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với ngành y tế để tư vấn cho phụ huynh về lợi ích tiêm chủng, cách xử trí biến chứng có thể xảy ra, cách theo dõi sau tiêm.

Vì sao TPHCM chưa tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi vào ngày mai? - 1

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Trước đó, Sở Y tế TPHCM đã đề xuất với UBND TPHCM bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ ngày 22/10. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên ở một số quận huyện, vaccine tiêm cho trẻ vẫn chưa được phân bổ.

Về độ phủ vaccine, nếu theo số liệu của Chi cục Dân số vào thời điểm tháng 6/2021 (khoảng 7,2 triệu người), cho đến ngay thành phố đã đạt được 99% người trên 18 tuổi tiêm mũi một và khoảng 76% đã tiêm 2 mũi.

Sở Y tế đã phối hợp với UBND các quận huyện để người dân đã tiêm mũi một, nhưng vì lý do nào đó chưa tiêm mũi 2, hoặc thậm chí chưa tiêm mũi nào thì đăng ký tiêm qua đầu số 8066. Nếu mất giấy xác nhận tiêm mũi một, cơ quan chức năng vẫn tạo điều kiện để người dân tiêm bằng cách cho họ viết giấy cam kết tiêm.

Ngoài ra, sau thời điểm nới lỏng giãn cách, một số người lao động đã về quê giờ quay lại làm việc, TPHCM sẽ tạo điều kiện để tiêm vaccine cho họ nếu chưa được tiêm. Sở Y tế mong người dân chủ động đến đăng ký để thực hiện tiêm chủng.

Với các doanh nghiệp, Sở Y tế cũng đề nghị lập danh sách người lao động của công ty chưa được tiêm gửi về cơ quan chức năng để lập kế hoạch tổ chức tiêm.

Trên tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về chiến lược an toàn, linh hoạt trong kiểm soát dịch Covid-19 trong tình hình mới, ông Hưng cho biết hiện tại, nếu phát hiện một ca F0 trong cộng đồng, công ty, TPHCM không còn sử dụng chiến lược phòng dịch kiểu "zero Covid" nữa. Thay vào đó, cơ quan chức năng sẽ báo về đầu mối cho địa phương nơi có ca F0 cư trú.

Ngoài ra, việc xét nghiệm nhanh Covid-19 chỉ thực hiện khi có triệu chứng, yếu tố nguy cơ nghi ngờ chứ không làm đại trà hàng loạt.

Nếu người dân tự thấy nghi ngờ có triệu chứng hoặc đã tiếp xúc F0, tự xét nghiệm và báo lên cơ quan chức năng, trạm y tế sẽ căn cứ tình hình thực tế để xét nghiệm lại hoặc không và lập danh sách quản lý. 

Bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng sẽ được cách ly tại nhà, còn F1 cũng được theo dõi sức khỏe và cách ly cùng người nhiễm trong nhà.