Vì sao sẽ chỉ tiêm vắc xin Quinvaxem đến hết tháng 5/2018?

(Dân trí) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, vắc xin Quinvaxem dự kiến chỉ sử dụng đến hết tháng 5 trên quy mô toàn quốc sau 7 năm được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vì sao sẽ chỉ tiêm vắc xin Quinvaxem đến hết tháng 5/2018? - 1

Hiện nước ta đang lưu hành hơn 30 loại vắc xin, trong đó, những loại vắc xin được lưu hành trong tiêm chủng mở rộng gồm 5 trong 1 Quinvaxem, lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ phổi, rubella, rota…

Riêng Quinvaxem, từ năm 2010 đến nay đã sử dụng 42 triệu liều trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, góp phần quan trọng trong thanh toán và phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến ở trẻ em gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Tuy nhiên, do nhà sản xuất Hàn Quốc ngừng sản xuất loại vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, nên không chỉ riêng nước ta mà cả các nước đang sử dụng vắc xin này đều phải dùng vắc xin chuyển đổi.

Theo đánh giá của ông Trần Đắc Phu: “Việc thay thế vắc xin là bình thường, do nhà máy ngừng sản xuất phải thay thế, không có xáo trộn gì”.

Trên thực tế, “Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. Theo kế hoạch, loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 này sẽ được đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại 4 tỉnh, sau đó sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc vào cuối quý II năm 2018”, Bộ Y tế thông tin.

Trong thời gian chờ chuyển đổi, vắc xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình TCMR cùng với việc chuyển đổi sử dụng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1.

Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình mở rộng, để trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trần Phương