1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tỷ lệ phản ứng nặng của vắc xin dịch vụ và Quinvaxem là tương đương

(Dân trí) - Bộ Y tế cho biết, vắc xin Pentaxim và Quinvaxem đều là những vắc xin phòng bệnh hiệu quả, an toàn cho trẻ. Nhiều người nghi ngại phản ứng nặng của vắc xin Quinvaxem là không có cơ sở, bởi phản ứng nặng giữa hai vắc xin này là tương đương.

Theo đó, trong vắc xin Quinvaxem có thành phần kháng nguyên gồm Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B và Hemophilus influenza týp B (ho gà toàn thế bào); Còn vắc xin Pentaxim có thành phần kháng nguyên giống như Quinvaxem, chỉ khác thành phần ho gà là vô bào.

Phản ứng thông thường như sốt, đau tại chỗ của Quinvaxem là cao hơn Pentaxim. Còn phản ứng nặng (vô cùng hiếm gặp) của hai vắc xin này là tương đương.
Phản ứng thông thường như sốt, đau tại chỗ của Quinvaxem là cao hơn Pentaxim. Còn phản ứng nặng (vô cùng hiếm gặp) của hai vắc xin này là tương đương.

Đánh giá về đáp ứng miễn dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đáp ứng miễn dịch của vắc xin Quinvaxem tốt hơn vì chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Vì thế vắc xin được tiêm cho trẻ khi 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại năm thứ hai.

Vắc xin Pentaxim có miễn dịch thấp hơn vì chứa thành phần ho gà vô bào. Vì thế, được chỉ định tiêm cho trẻ khi 2, 3, 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại năm thứ hai và thêm một mũi tiếp theo từ 5 - 13 tuổi. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia tiếp tục sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào –- hiệu quả trong phòng, chống bệnh ho gà.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), điều cần nhấn mạnh nhất, đó chính là phản ứng sau tiêm của các vắc xin. Đây cũng là điều khiến nhiều người dân do dự, lo ngại khi cho trẻ tiêm Quinvaxem. Nhưng những lo ngại này là không có cơ sở. Bởi thống kê trên thế giới, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm chủng của Quinvaxem gồm: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc…có cao hơn vắc xin Pentaxim, nhưng tỷ lệ tai biến nặng là tương đương.

Còn các phản ứng nặng như: Khóc dai dẳng trên 3 tiếng trong vòng 48 tiếng sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng; Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng; Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 tiếng với tỷ lệ là 1-2/1 triệu liều; Sốc phản vệ có thể xảy ra với tỷ lệ 1- 20/1 triệu liều là tương đương giữa hai loại vắc xin.

Trên thực tế, Việt Nam sử dụng đến 4.500.000 liều/1.5 triệu trẻ, còn tiêm vắc xin Pentaxim chỉ đạt 100.000 liều/33 nghìn trẻ.

Theo các chuyên gia, nhìn vào con số này cho thấy tỷ lệ tiêm Pentaxim là vô cùng thấp so với Quinvaxem. Vì thế, về lý thuyết, các ca phản ứng gặp liên quan đến Quinvaxem đương nhiên nhiều hơn nhiều lần Pentaxim, vì tỉ lệ Pentaxim là quá thấp.

Không có loại vắc xin nào là tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên tại 12.000 điểm tiêm chủng đều được đào tạo, tập huấn những kiến thức về an toàn tiêm chủng và xử lý ban đầu đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm, 100% các trạm y tế xã phường đều sẵn có thuốc xử trí sốc. Các trường hợp phản ứng ngay tại thời điểm tiêm chủng thì trẻ cần được xử trí tại cơ sở y tế gần nhất. Điều quan trọng nhất là các bà mẹ cần cho trẻ ở lại trạm y tế sau tiêm 30 phút để cán bộ y tế theo dõi về tình trạng sức khỏe, dị ứng, phản ứng quá mẫn, sốc...

“Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin cũng như tính an toàn của vắc xin Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận. Vì thế, các bà mẹ hãy cho trẻ đi tiêm chủng đúng thời điểm. Vắc xin dịch vụ trong năm 2016 vô cùng căn thẳng vì chỉ có khoảng 40.000 liều được nhập về đầu năm. Các mẹ không nên quá lo lắng. Sau khi cho con tiêm hãy ở lại điểm tiêm chủng 30 phút, về nhà hãy theo dõi, phát hiện sớm các biểu hiện bất thường sau tiêm chủng như phát ban, sốt cao, co giật, khóc dai dẳng, tím tái, khó thở, bú ít, bỏ bú, li bì … và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh rủi ro đáng tiếc.

Từ khi triển khai đến nay, đã có khoảng 25 triệu mũi tiêm Quinvaxem được thực hiện, với tỷ lệ tiêm chủng 3 mũi vắc xin hàng năm đạt trên 90%. Trong năm 2015, cũng đã có 4,8 triệu liều vắc xin được tiêm chủng cho trẻ tại tất cả các điểm tiêm chủng xã/ phường trên cả nước. Vắc xin này cũng đã được dùng khoảng 450 triệu liều vắc xin tại 94 quốc gia trên toàn thế giới.

Theo đánh giá năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới về các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam, có 9 trường hợp phản ứng có liên quan đến vắc xin trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (0,64/1 triệu liều), không có tử vong trong số 9 ca này. Chỉ ghi nhận 1 trường hợp sốc phản vệ trên tổng số 14 triệu mũi tiêm (0,07/1 triệu liều), thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất.

Hồng Hải