Vì sao sau hàng chục năm Việt Nam mới có thể xây dựng thành công hệ thống Telehealth?
(Dân trí) - Hệ thống khám chữa bệnh từ xa đã được Bộ Y tế bắt đầu triển khai cách đây rất lâu, nhưng phải đến năm 2020 đề án này mới chính thức được thực hiện đồng bộ và quy mô. Khó khăn nào khiến Telehealth chưa thể phát triển sớm hơn?
1.000 cơ sở được kết nối sau hơn 2 tháng triển khai dự án
Sau hơn 2 tháng đẩy mạnh triển khai, Việt Nam đã chính thức khai trương 1.000 cơ sở y tế có hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth). Trong đó, các bệnh viện tuyến cuối sẽ kết nối với khoảng 30 bệnh viện tuyến tuyến trên. Khi Tập đoàn Viettel trở thành nhà cung cấp giải pháp cho tất cả mọi điểm cầu, nhiều cơ sở y tế xa xôi như ở Côn Đảo, Cô Tô, Bắc Nậm, Mường Nhé đều được kết nối với hình ảnh chất lượng, âm thanh rõ nét.
Hệ thống này còn có sự tham gia của 4 bệnh viện hạng đặc biệt của các nước gồm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai, BV Trung ương Huế và Chợ Rẫy. Điều đó khẳng định chất lượng của Telehealth ngày càng được nâng cao và đảm bảo.
Trên thực tế, việc mở rộng hoạt động khám, chữa bệnh từ xa với Viettel Telehealth có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế. Qua hoạt động này, ngành y tế hướng tới việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên toàn tuyến và sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.
Telehealth sẽ giúp người dân cả nước, tại bất cứ đâu, đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại cơ sở tuyến dưới. Đồng thời, đề án này còn hạn chế được việc chuyển tuyến, quá tải hay tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Người dân khi ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ, tư vấn và điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.
Trong tương lai gần, nhiều bệnh nhân sẽ không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh nhờ trình độ khám chữa bệnh của các bác sĩ Việt Nam đã được nâng cao hơn trước.
Vai trò của nền tảng công nghệ khi xây dựng Telehealth
Rõ ràng, lợi ích của Telehealth đều được lãnh lãnh đạo của chính phủ, Bộ Y tế, các bệnh viện nhận thức rõ ràng. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết: “Việc triển khai Telehealth thì không phải bây giờ chúng ta mới làm. Cách đây khoảng chục năm, chương trình nay đã bắt đầu nhưng chưa được đồng bộ, chính quy và lan tỏa như hiện nay”.
Yếu tố đầu tiên vị lãnh đạo này nhắc đến khiến chương trình bị chững lại trong thời gian dài đó là: “Lúc đó, chúng ta chưa có nền tảng công nghệ tốt”.
Quan niệm của các thầy thuốc về khám chữa bệnh là phải nhìn - sờ - gõ - nghe trực tiếp. Vì vậy, họ cho rằng vẫn phải xuống trực tiếp tuyến dưới để thăm khám cho bệnh nhân, đào tạo cho các đồng nghiệp hoặc bệnh nhân, nhân viên y tế phải lên tuyến trên.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), vấn đề nền tảng công nghệ đã được giải quyết. Nền tảng Telehealth do Viettel chủ trì, có thể giúp bác sĩ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, đã được áp dụng và triển khai tại hơn 1.000 bệnh viện và ngày càng hoàn thiện hơn.
Giai đoạn 1, các bác sĩ có thể thăm khám dựa trên kết quả lâm sàng, cận lâm sàng (phim chụp X-quang, MRI, CT-Scan…) mà tuyến dưới cung cấp, điều hành trực tiếp ca mổ. Đường truyền ổn định, chất lượng cao giúp các bác sĩ có thể “soi” từng milimet trên phim chụp, hoặc chỉ đạo phẫu thuật viên từ xa mà như đứng cạnh nhau trong phòng mổ.
Giai đoạn 2, các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối sẽ mở các phòng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa đặt tại bệnh viện địa phương. Giai đoạn 3, việc khám trực tiếp tại nhà với dụng cụ khám chữa bệnh từ xa sẽ được đưa vào triển khai.
“Việc tư vấn, khám chữa bệnh đặc biệt phát huy hiệu quả khi chúng ta triển khai Trung tâm điều hành, quản lý hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa cho bệnh nhân Covid-19”, ông Khuê nhấn mạnh.
Đại dịch Covid-19 khiến ngành y tế Việt Nam phải thực hiện nhiều chiếc lược chưa từng có tiền lệ trong lịch sử để khoanh vùng, cách ly, dập dịch nhanh nhất. Khi việc tiếp xúc bị hạn chế vì dịch bệnh, Telehealth đã trở thành giải pháp tối ưu cho ngành y tế, buộc lãnh đạo bộ và các bệnh viện phải triển khai nhanh. Như vậy, có thể thấy, Covid-19 chính là đòn bẩy để dự án khám chữa bệnh từ xa đã manh nha, ấp ủ từ lâu có cơ hội phát triển và thể hiện vị thế của mình.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định: "Việt Nam đã áp dụng nhiều ý tưởng, mô hình mới nhằm biến nguy thành cơ, qua đó phát triển và cải thiện tình hình. Trong đó, hoạt động khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng nhanh chóng".