Vì sao robot phẫu thuật đột ngột bị rút khỏi Bệnh viện Nhân Dân 115?
(Dân trí) - Hệ robot sử dụng trí tuệ nhân tạo, tối ưu hóa trong phẫu thuật cho những trường hợp bị nhồi máu não, xuất huyết não nhưng sau gần 2 năm triển khai nhà đầu tư đột ngột rút khỏi Bệnh viện Nhân Dân 115.
Hợp đồng thuê thiết bị thất bại trong tiếc nuối
Ngày 15/2/2019, Bệnh viện Nhân Dân 115, TP HCM trở thành đơn vị đầu tiên tại Châu Á ứng dụng hệ thống robot Modus V Synaptive (Canada) trong phẫu thuật thần kinh. Chỉ trong 1 giờ 30 phút, các bác sĩ đã thực hiện thành công cuộc phẫu thuật khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, lấy khối u có kích thước 1,5cm ở vùng trán bên trái đã gây phù nề, xâm lấn các mô xung quanh cho nữ bệnh nhân 67 tuổi, ngụ tại Tây Ninh. Ngay sau ca mổ, bệnh nhân tỉnh táo, các chỉ số sinh hiệu ổn định, không để lại di chứng.
Sự thành công của cuộc phẫu thuật được các chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật robot thế giới đánh giá cao, kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực can thiệp ngoại thần kinh, nâng tầm y tế Việt Nam. Trên thực tế, ngày 22/11/2019 Bệnh viện Nhân Dân 115 đã xác lập Kỷ lục Châu Á là bệnh viện đầu tiên ở Châu Á phẫu thuật u não bằng hệ thống Robot Modus V Synaptive sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2020 đơn vị cho thuê máy đột nhiên rút hệ thống robot phẫu thuật khỏi Bệnh viện Nhân Dân 115. Trước vấn đề trên, ngày 1/10, TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc bệnh viện cho biết robot phẫu thuật không thực hiện theo hợp tác công tư mà thực hiện theo hợp đồng thuê lại, giá trị của dự án là 54 tỷ đồng bao gồm máy móc, bảo hành, bảo trì 4 năm, đào tạo nhân lực… Phía Nhà nước không phải bỏ ra bất kỳ khoản chi phí nào để đầu tư mà còn được đào tạo, học tập. Thỏa thuận hợp đồng nêu rõ, các rủi ro về mặt kinh tế thì nhà đấu thầu phải chịu.
Theo phương án ban đầu, mỗi tháng trung bình sẽ mổ 22 ca, sau 4 đến 5 năm đạt trên 1.000 ca, máy sẽ thuộc về bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng khoảng 18 tháng, số ca bệnh được chỉ định phẫu thuật quá ít (32 ca, trong đó có 10 ca miễn phí), chi phí trung bình 85 triệu đồng mỗi ca.
"Thực tế trên không mang lại hiệu quả kinh tế theo phương án đấu thầu nên nhà đầu tư là Công ty V.Đ. đã quyết định rút máy. Bệnh viện nhiều lần năn nỉ đối tác cho thêm thời gian nhưng họ vẫn quyết định chấm dứt hợp đồng, điều này khiến chúng tôi vô cùng tiếc nuối” – TS.BS Phan Văn Báu chia sẻ.
Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn?
Phẫu thuật robot là phương pháp tối ưu để mổ u não và xuất huyết não, đặt biệt là những ca bệnh có xuất huyết não trên 60ml nguy cơ tử vong lên đến 90%. Nếu phẫu thuật không có thiết bị dẫn đường, phát hiện sợi thần kinh, người bệnh sẽ bị tổn thương não, nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ hoặc tàn phế. Phẫu thuật robot đã giảm tối đa tỷ lệ tử vong do đột quỵ với bệnh lý nhồi máu não, xuất huyết não.
Tại Bệnh viện Nhân Dân 115, trung bình mỗi năm tiếp nhận, chữa trị hơn 10.000 bệnh nhân đột quỵ trong đó có khoảng 2.000 ca phẫu thuật. Các phương pháp sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, sử dụng phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối... đã được ứng dụng, tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng yếu liệt, câm điếc, sống thực vật, tử vong vẫn cao.
Theo TS.BS Phan Văn Báu: "Robot chúng tôi từng sử dụng được phối hợp giữa robot và trí tuệ nhân tạo theo công nghệ 4.0 đây là hệ thống tối ưu nhất hiện nay. Chúng tôi đã mổ được nhiều ca bệnh bị u não, xuất huyết não, không có ca nào bị biến chứng, tử vong. Với việc sử dụng robot, các bác sĩ đã cứu nhiều bệnh nhân khi người bệnh đã cận kề cửa tử mà phương pháp mổ kinh điển khó có thể cứu được người bệnh”.
Đây là thiết bị đầu tiên tại châu Á, nếu theo quy định đấu thầu của nhà nước những nơi có năng lực sẽ được ưu tiên. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư cao, rủi ro về mặt kinh tế rất lớn. Trường hợp máy móc bị hư hỏng trong quá trình sử dụng sẽ phải thông qua đấu thầu để sửa chữa. Hình thức đấu thầu sửa chữa sẽ mất khoảng 3-6 tháng mới nhập được thiết bị về, trong thời gian này máy sẽ ngừng hoạt động.
Bệnh viện đã chọn phương án thuê lại căn cứ trên giá trị dự án trên cơ sở định giá, để giải quyết những khó khăn về mặt kinh tế, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Tính về kinh tế y tế, bệnh nhân được cứu sống bằng phẫu thuật robot sẽ trở lại với cuộc sống, có thể lao động bình thường, tránh nguy cơ biến chứng hậu phẫu, không gây lãng phí quỹ bảo hiểm y tế. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật thần kinh sử dụng hệ thống robot Modus ở các quốc gia khác có chi phí khoảng 120.000 đến 150.000 USD một ca mổ.
Xu thế mổ robot đang ngày càng phổ biến vì việc phẫu thuật can thiệp chính xác nhất, ít tổn thương nhất, bệnh nhân ít nguy cơ nhất, thời gian phẫu thuật, hậu phẫu nhanh chóng. Bệnh nhân được mổ tỉnh, sau 1 đến 2 ngày có thể xuất viện không phải nằm viện kéo dài, giảm nguy cơ biến chứng.
Chi phí cho cuộc mổ robot tại Bệnh viện Nhân Dân 115 tốn khoảng 85 triệu đồng. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của người dân, bệnh viện đã lựa chọn phương án có lợi nhất cho người bệnh để giảm thiểu chi phí điều trị, không chỉ định mổ robot đại trà mà chỉ chọn những ca rất nặng, người bệnh có khả năng chi trả. Đây là lý do chỉ định phẫu thuật bằng robot tại bệnh viện hạn chế, không đạt được số ca phẫu thuật mà đối tác mong muốn.
Sau sự thất bại của hợp đồng thuê thiết bị, TS.BS Phan Văn Báu bày tỏ lo lắng, phương án trên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nhà nước nhưng rủi ro của đơn vị đầu tư khá lớn, nếu không có giải pháp tháo gỡ, thời gian tới khó có thể thực hiện được những hợp đồng tương tự.
Ông cho biết, ngay khi đưa vào sử dụng hệ thống robot, Bệnh viện đã đề xuất phương án thanh toán bảo hiểm y tế cho nhiều người bệnh có thể tiếp cận nhưng chưa được phê duyệt. Mọi kỹ thuật chuyên môn hàng đầu thế giới, các bác sĩ của bệnh viện đã làm chủ nhưng đến nay buộc phải ngừng chỉ vì thiếu máy.
Từ bài học của bệnh viện TS.BS Phan Văn Báu cho rằng, ngoài việc chi trả bảo hiểm y tế cho phẫu thuật robot, Nhà nước cần có giải pháp đầu tư để phát triển công nghệ chuyên sâu phục vụ người bệnh; khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân đầu tư trang thiết bị công nghệ cao; kêu gọi nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân để mua sắm thiết bị hiện đại giúp người có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể tiếp cận kỹ thuật cao của phẫu thuật robot.