Vì sao quả vải tốt nhưng không nên ăn quá nhiều?
(Dân trí) - Với hàm lượng chất dinh dưỡng đáng kinh ngạc, vải là loại trái cây hấp dẫn được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên tiêu thụ ở mức vừa phải khoảng 200g mỗi ngày.
Việt Nam là nơi trồng nhiều vải. Cây vải có hầu hết ở các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có những vùng đặc sản như Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương)...
Vải được sử dụng trong tất cả mọi thứ từ món ăn chính đến món tráng miệng, đồ uống và món khai vị. Ngoài hương vị thơm ngon đặc trưng, loại trái cây nhiệt đới này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất, làm cho vải trở thành một loại thực phẩm bổ sung tuyệt vời cho một chế độ ăn uống lành mạnh.
Vải có giá trị dinh dưỡng cao, chứa một lượng chất xơ và vitamin C dồi dào cũng như các vi chất dinh dưỡng khác như đồng, vitamin B6 và kali.
Thành phần dinh dưỡng trong 100g quả vải thô chứa khoảng 63 calo, carbohydrate 16g, protein 0,8g, lipid 0,4g, chất xơ 1,2g, vitamin C 68mg, đồng 0,1mg, vitamin B6 0,1g, kali 162mg, riboflavin 0,05g, folate 23μg, niacin 0,5mg, phospho 29mg, magie 9mg, mangan 0,05mg… Ngoài ra, vải còn chứa một lượng nhỏ sắt, selen, kẽm và calci.
Theo TS Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, vải chứa nhiều vitamin C, là chất chống oxy hóa mạnh mẽ để chống lại tác hại của các gốc tự do và tối ưu hóa sức khỏe của hệ miễn dịch. Các lợi ích tiềm năng của vải bao gồm tăng cường chức năng miễn dịch, giảm viêm, tăng chức năng não, chống virus và chống ung thư trong một số nghiên cứu.
Theo Y học cổ truyền phương Đông, quả vải được tính ôn, vị ngọt, chua, quy các kinh tỳ, can. Vải có tác dụng bổ huyết, sinh tân, chỉ khát. Hạt vải (lệ chi hạch) có vị hơi đắng, ngọt, chát, tính ôn, quy các kinh can, thận, có tác dụng ôn trung lý khí, tán kết, chỉ thống. Hạt vải thường được kê đơn trong các bài thuốc chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Theo y học truyền thống Ấn Độ, vải được sử dụng để cải thiện sức khỏe tiêu hóa, hỗ trợ sinh sản và cải thiện sức khỏe thần kinh.
Tuy nhiên, vì tính ôn ấm của vải, các chuyên gia khuyên chúng ta nên tiêu thụ vải ở mức vừa phải (khoảng 200g mỗi ngày) để giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Ăn vải không đúng cách có thể gặp các nguy cơ nào?
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tiêu thụ nhiều vải chưa chín khi bụng đói có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết từ đó dẫn đến tổn thương não ở trẻ em. Điều này có thể do chất Hypoglycin A và methylene cyclopropyl acetic (MCPA).
Một nghiên cứu tại Ấn Độ, cho thấy hàm lượng các chất này trong quả vải xanh cao gấp 2-3 lần so với vải chín. Hypoglycin A và MCPG là hai chất gây ra triệu chứng hạ đường huyết và triệu chứng bệnh não ở động vật thí nghiệm, do ức chế quá trình chuyển hóa axit béo thành đường glucose.
Chưa có nghiên cứu nào công bố về hàm lượng hypoglycin A và MCPG trong quả vải ở Việt Nam. Dù vậy, theo TS Giang, để đảm bảo an toàn người ta thường khuyên trẻ em nên ăn vải vừa phải (khoảng 100g mỗi ngày) và không nên ăn khi đói. Đồng thời không nên ăn quả vải xanh, chưa chín hẳn.
Vải cũng là một loại trái cây có lượng đường tương đối cao. Vải đóng hộp có thể có lượng đường cao hơn. Vì vậy điều quan trọng là phải kiểm soát lượng ăn vào để tránh các tác động xấu đến sức khỏe như tăng cân và lượng đường trong máu cao.
Mặc dù hiếm gặp, một số người cũng có thể bị dị ứng với vải, gây ra các triệu chứng như nổi mề đay, ngứa, mẩn đỏ và sưng tấy. Nếu những triệu chứng này hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác xảy ra sau khi ăn vải, hãy ngừng sử dụng và đến cơ sở y tế để được khám và có sự tư vấn từ bác sĩ.
Vải thường được miêu tả là thơm và chua ngọt nhẹ. Vì vậy, vải rất phù hợp cho các món ăn khác nhau. Cách đơn giản nhất để thưởng thức vải là chỉ cần lột vỏ quả vải, ăn phần cùi mọng nước, thơm ngon. Chúng ta cũng có thể dùng cùi vải làm mứt vải khô, chế biến món tráng miệng, sinh tố và đồ uống.