Vì sao nhân viên y tế liên tục bị hành hung?

(Dân trí) - Làm nhiệm vụ cứu người nhưng nhiều y bác sĩ lại bị chính bệnh nhân và người nhà hành hung trọng thương hoặc mất mạng. Câu chuyện đáng buồn trên là thực tế đang diễn ra song nguy cơ vẫn chưa có hồi kết bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan của nghề y.

Bệnh viện là “sọt rác” của xã hội

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khi luận bàn về các vấn đề an ninh, an toàn trong bệnh viện (ngày 5/5/2017 tại Cần Thơ). Ông Khoa cho hay, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng bạo hành nhân viên y tế trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, nỗ lực của ngành gần như đang bị phản tác dụng.

Bác sĩ bị đe dọa, bạo hành đang trở thành chuyện thường ngày ít được xã hội quan tâm lên án (ảnh internet)
Bác sĩ bị đe dọa, bạo hành đang trở thành chuyện thường ngày ít được xã hội quan tâm lên án (ảnh internet)

Cụ thể, ngày 7/4 Bộ tổ chức hội thảo Phòng chống bạo lực ngành y thì đến ngày 16/4 xảy ra sự cố bác sĩ Lê Quang Dương công tác tại bệnh viện Thạch Thất, Hà Nội bị người nhà bệnh nhi đập cốc thủy tinh vào đầu phải theo dõi chấn thương sọ não. Nguyên nhân của vụ việc được xác định là do gia đình yêu cầu chuyển viện nhưng chưa được đồng ý.

Gần nửa tháng sau (ngày 29/4) tiếp tục đến lượt một sinh viên thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên bị người nhà bệnh nhân đấm liên tiếp vào mặt khi đang chờ cáng để chuyển bệnh nhân bị tai nạn đi chiếu chụp.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2010 đến nay đã có tổng cộng 22 vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ BS Nguyễn Đức Giàu công tác tại bệnh viện Vũ Thư, Thái Bình bị người nhà bệnh nhân dùng dao đâm tử vong.

Hiện nay cả nước có trên 1.300 bệnh viện với hơn 300.000 giường bệnh thực kê và gần 600.000 cán bộ y tế với 160 triệu lượt bệnh nhân đến khám, hơn 27,2 triệu người điều trị nội trú, bên cạnh đó là người thăm nuôi bệnh. Bệnh viện là nơi tập trung đủ mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là các nhóm đối tượng manh động, tiêu cực từ những vụ mâu thuẫn dẫn tới đả thương hoặc các đối tượng ăn chơi xa đọa mắc bệnh xã hội.

Bên cạnh đó là các thành phần bất hảo trà trộn vào bệnh viện để thực hiện hành vi trộm cắp, móc túi, cò mồi khám chữa bệnh, giả danh nhân viên y tế để lừa đảo, cho vay nặng lãi, phát tờ rơi tuyên truyền liên quan đến tôn giáo... khiến môi trường an ninh trật tự trong bệnh viện luôn “căng như dây đàn”.

Mỗi bệnh nhân đều mang theo... thùng thuốc súng

Cùng với những nguyên nhân khách quan nêu trên, đại diện Bộ Y tế cũng thẳng thắn thừa nhận những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính thực trạng của ngành y. Cụ thể, quá tải bệnh viện, cơ sở vật chất xuống cấp hoặc không đủ sức đáp ứng đã và đang gây căng thẳng cho không chỉ người bệnh mà còn cho chính nhân viên y tế. “Bác sĩ khó có thể cười khi mỗi ngày phải khám đến cả trăm lượt bệnh nhân”.

Quá tải bệnh viện, áp lực công việc đang gây nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa nhân viên y tế và khách hàng
Quá tải bệnh viện, áp lực công việc đang gây nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa nhân viên y tế và khách hàng

Bản thân mỗi người bệnh cùng thân nhân khi đến bệnh viện đều mang trong mình rất nhiều nỗi lo và sự căng thẳng như: áp lực về vấn đề tài chính, mối quan hệ công việc - xã hội và đặc biệt là nỗi lo về sức khỏe, sinh mạng. Do đó, mỗi bệnh nhân và người nhà khi vào viện đều mang theo bên mình cả “thùng thuốc súng” có thể phát nổ bất kỳ lúc nào.

Ngoài ra, nhiều “con sâu đang làm rầu nồi canh” với tâm lý cửa quyền, thiếu đạo đức nghề nghiệp gây mất lòng tin của người bệnh cũng như thân nhân. Bên cạnh đó, các sự cố y khoa xảy ra trong quá trình hành nghề của chính y bác sĩ đã trực tiếp gây ra những căng thẳng, xung đột, nếu không được xử lý kịp thời sẽ diễn tiến theo chiều hướng tiêu cực.

Dù những vụ hành hung nhân viên y tế liên tục xảy ra nhưng trên thực tế, khả năng và quyền hạn các chế tài xử lý của lực lượng bảo vệ bệnh viện còn yếu và thiếu. Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, hầu hết các bệnh viện đều không đủ sức đáp ứng về vấn đề an ninh, từ nhân sự bảo vệ cho đến thiết bị theo dõi an ninh, khi sự việc xay ra không kịp phản ứng hoặc phản ứng chưa đủ mạnh. Mặt khác các bệnh viện đang thiếu đi sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương mỗi khi vấn đề mất an ninh xảy ra.

Để ngăn chặn nguy cơ nhân viên y tế tiếp tục bị bạo hành trong thời gian tới, Bộ Y tế đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng điều trị hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế đã ký kết biên bản hợp tác với Bộ Công an trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện. Dự kiến, Bộ Y tế sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp điều chỉnh khung hình phạt theo hướng tăng nặng đối với hành vi gây rối trong bệnh viện, đe dọa tính mạng, xâm phạm thân thể thầy thuốc trong quá trình hành nghề.

Vân Sơn