Vì sao người mắc bệnh gan thường hay mệt mỏi?

Minh Nhật

(Dân trí) - Bệnh gan đa phần diễn biến âm thầm nhưng mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh lại rất lớn.

Trong cơ thể, gan là cơ quan nội tạng lớn nhất với cân nặng khoảng 1,5kg. Ở người bình thường, gan chứa khoảng 100 tỷ tế bào đảm nhiệm hơn 500 chức năng khác nhau như chuyển hóa dinh dưỡng, dự trữ năng lượng (glycogen), tổng hợp protein huyết tương, thải độc cho cơ thể…

Với khối lượng công việc đồ sộ, gan dễ chịu tổn thương khi bị virus, rượu bia, thuốc lá, thực phẩm bẩn... tấn công. Lượng độc tố tích tụ ngày càng nhiều sẽ khiến chức năng gan suy giảm nghiêm trọng. Trong đó, có chức năng dự trữ glycogen để chuyển hóa thành glucose, cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Theo các chuyên gia, khi gan suy yếu, không thể chuyển hóa glycogen thành glucose, cơ thể sẽ thiếu hụt năng lượng trầm trọng. Đó là lý do tại sao bạn cảm thấy dễ mệt mỏi, uể oải, đuối sức mỗi khi gắng sức làm việc. Xét nghiệm thường cho kết quả men gan cao, gan nhiễm mỡ hoặc viêm gan.

Vì sao người mắc bệnh gan thường hay mệt mỏi? - 1

Triệu chứng mệt mỏi này có thể kéo dài âm thầm nhiều năm trước khi người bệnh có dấu hiệu nặng như vàng da, vàng mắt, đau tức hạ sườn phải, buồn nôn, sút cân nhanh... Lúc này, bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hoặc biến chứng thành xơ gan, thậm chí ung thư. Việc điều trị lúc này thường trở nên khó khăn và tốn kém hơn nhiều lần.

Tỷ lệ mắc bệnh gan ở Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, nước ta có khoảng 7,8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính, hơn 13.000 người bị xơ gan, gần 6.000 người bị ung thư tế bào gan và hơn 6.400 người tử vong do bệnh gan gây nên. Đây là những con số đáng báo động.

Song có một thực tế đáng buồn là nhiều người chưa biết cách bảo vệ gan. Do đó, muốn lá gan khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh gan cần có biện pháp bảo vệ và phục hồi lá gan từ sớm.

Tầm soát bệnh gan, kiểm tra sức khỏe định kỳ rất cần thiết nhằm phát hiện và điều trị bệnh sớm nhất. Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh gan, nên chú ý xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Kiêng các chất có hại cho gan như rượu, bia, chất kích thích. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, gia vị cay nóng. Năng vận động và ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức.

Ngoài ra, cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc. Người bệnh nên tuân thủ đơn kê của bác sĩ để hạn chế việc lạm dụng hoặc dùng thuốc quá liều có thể gây hại cho gan, nhất là các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.