Vì sao nên làm các xét nghiệm giúp tầm soát bệnh tim mạch?
(Dân trí) - Để phát hiện các vấn đề tim mạch có tới 5 loại xét nghiệm khác nhau. Vậy các xét nghiệm này có ý nghĩa gì và dành cho những ai?
Tầm soát phình động mạch chủ
Xét nghiệm siêu âm một lần này nhằm phát hiện chỗ phình ở động mạch chủ, động mạch lớn nhất của cơ thể.
Tại sao cần thực hiện: Phình động mạch chủ có khả năng vỡ gây chảy máu đe dọa tính mạng.
Dành cho: Nam giới từ 65 đến 75 tuổi đang hoặc đã từng hút thuốc lá. Nam giới không hút thuốc lá và phụ nữ đã từng hút thuốc từ 65 đến 75 tuổi có thể cân nhắc nếu có các yếu tố nguy cơ như người thân gần gũi trong gia đình bị phình động mạch. Xét nghiệm này không dành cho những phụ nữ không hút thuốc trong độ tuổi từ 65 đến 75, có nguy cơ rất thấp.
Kết quả: Nếu tìm thấy một phình mạch nhỏ (đường kính dưới 5cm), bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ. Các phình mạch lớn hơn hoặc to nhanh có thể cần phải phẫu thuật.
Tầm soát động mạch cảnh
Đây là siêu âm động mạch ở từng bên cổ.
Tại sao cần thực hiện: Hẹp động mạch cảnh có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Dành cho: Bất kỳ ai có triệu chứng đột quỵ hoặc đột quỵ nhỏ. Những người không có triệu chứng có thể bỏ qua xét nghiệm này.
Kết quả: Nếu hình ảnh cho thấy động mạch cảnh bị chặn, bạn có thể được chỉ định các xét nghiệm tiếp theo như MRI để xác nhận. Điều trị có thể bao gồm dùng thuốc hoặc phẫu thuật để thông động mạch.
Động mạch cảnh bị hẹp nghiêm trọng chỉ tìm thấy ở khoảng 1% người lớn và thậm chí hiếm khi dẫn đến đột quỵ trừ khi có các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như huyết áp cao.
Đối với những người không có triệu chứng, xét nghiệm có thể dẫn đến những kết quả dương tính giả, và các nghiên cứu cho thấy nó thực sự gây tổn thương cho nhiều người hơn là giúp ích.
Tầm soát cholesterol
Xét nghiệm máu này đo lường mức cholesterol toàn phần, bao gồm cholesterol LDL (có hại), cholesterol HDL (có lợi) và triglycerid (axit béo gây tắc động mạch).
Tại sao cần thực hiện: Chỉ số không bình thường - đặc biệt là cholesterol toàn phân trên 240 mg/dL và LDL trên 190 mg/dL - làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Dành cho: Người lớn tuổi từ 40 đến 75 có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, như hút thuốc lá, cao huyết áp và tiểu đường, nên được kiểm tra 5 năm một lần, và thường xuyên hơn nếu kết quả nằm ngoài mức bình thường.
Những người trên 75 tuổi nên nói chuyện với bác sĩ về việc liệu xét nghiệm có ý nghĩa hay không dựa trên sức khỏe của mình.
Kết quả: Kết quả xét nghiệm, cùng với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, có thể giúp bác sĩ xác định xem bạn có thể được lợi từ việc dùng thuốc hay không.
Điện tâm đồ (ĐTĐ) và test gắng sức
Với ĐTĐ, các điện cực được gắn vào ngực sẽ đo hoạt động điện của tim. Trong test gắng sức, bạn được đo ĐTĐ khi đang chạy trên máy chạy bộ hoặc đạp xe tại chỗ, hoặc sau khi uống thuốc để tim đập mạnh hơn và nhanh hơn.
Tại sao cần thực hiện: Để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Dành cho: Những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim hoặc những người có bệnh tim hoặc có các triệu chứng nghi ngờ như đau ngực hoặc khó thở, như một công cụ chẩn đoán. Đối với những người khác, đa phần các chuyen gia không khuyến nghị làm xét nghiệm này, song đôi khi các bác sĩ vẫn chi định trong khám sức khỏe định kỳ.
Kết quả: Đối với những người bị bệnh tim hoặc các triệu chứng nghi bệnh tim, xét nghiệm có thể giúp xác định nguy cơ tai biến tim mạch. Ở những người có nguy cơ thấp không có triệu chứng, chúng có thể dẫn đến kết quả không chính xác và các thủ thuật không cần thiết, chẳng hạn như chụp mạch (chụp X quang tim) hoặc tạo hình mạch (điều trị thông động mạch).
Chụp tim
Chụp cắt lớp mạch vành (CCTA) và chụp vôi hóa mạch vành (CAC) sử dụng nhiều lát chụp X quang để tạo ra hình ảnh về các động mạch.
Tại sao cần thực hiện: Cả hai loại chụp đều kiểm tra mảng bám trong động mạch; chụp CCTA cũng phát hiện những bất thường về cấu trúc.
Dành cho: Những người có triệu chứng như khó thở và đau ngực (CCTA), và những người có nguy cơ mắc bệnh tim (CAC). Hội chụp cắt lớp tim mạch khuyên không thực hiện cả hai đối với hầu hết những người khác.
Kết quả: Chụp CAC có thể giúp những người có nguy cơ đưa ra quyết định, cùng với bác sĩ, về cách điều trị tích cực cho tình trạng bệnh của mình. Đối với những người có triệu chứng, cả hai xét nghiệm này đều có thể được sử dụng cùng với các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh tim. Đối với những người có nguy cơ thấp, xét nghiệm sẽ khiến họ bị phơi nhiễm với bức xạ không cần thiết và có thể dẫn đến các thủ thuật không cần thiết.
Cẩm Tú