Vì sao một bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả đến hơn 38 tỷ đồng?

Nam Phương

(Dân trí) - Một bệnh nhân hemophilia sau 11 năm điều trị được bảo hiểm y tế chi trả với số tiền kỷ lục hơn 38 tỷ đồng. Theo bác sĩ, nếu bệnh nhân được điều trị dự phòng, số tiền đó có thể giảm hơn 10 lần.

Dẫn lại câu chuyện mới đây về một bệnh nhân hemophilia tại TP HCM được xuất viện sau 11 năm điều trị, TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết bệnh nhân nằm viện 11 năm, được bảo hiểm y tế chi trả với tổng số tiền là hơn 38 tỷ đồng. Câu chuyện này hoàn toàn có thể giải quyết được nếu có điều trị sớm tại nhà, điều trị dự phòng- ước tính tổng chi phí trong 11 năm sẽ chưa đến 3 tỷ đồng.

Bệnh nhân này không được điều trị dự phòng tại nhà, thời điểm bị chảy máu cũng không được tiêm thuốc ngay mà phải nhiều giờ sau khi bị chảy máu nhiều. Hậu quả là bệnh nhân phải phẫu thuật rất nhiều lần (26 lần). Ngoài ra, bệnh nhân này có chất ức chế của yếu tố đông tiêm vào nên chi phí tăng lên rất lớn. 

Vì sao một bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả đến hơn 38 tỷ đồng? - 1
TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

"Chúng tôi đã làm các nghiên cứu so sánh giữa việc điều trị sớm tại nhà và điều trị tại viện. Kết quả, chi phí cho những trường hợp điều trị sớm tại nhà chỉ bằng 1/6 so với chi phí bệnh nhân bị chảy máu sau đó đến bệnh viện", TS Khánh nói. 

Theo chuyên gia, Hemophilia hay bệnh máu khó đông, bệnh ưa chảy máu là một bệnh di truyền và hầu hết gặp ở nam giới. Do thiếu yếu tố đông máu mà người bệnh có thể chảy máu bất kỳ lúc nào gọi là chảy máu tự nhiên. Vị trí hay chảy máu là ở các cơ, khớp; khi đó bệnh nhân phải nghỉ học, nghỉ làm, nằm bất động, thậm chí dẫn đến biến chứng cứng khớp, teo cơ…, có trường hợp chảy máu não. 

Ngoài ra, nếu không bị chảy máu tự nhiên, nhưng trong cuộc sống hằng ngày bệnh nhân vẫn phải đi lại, chủ yếu bằng xe máy, điều này rất nguy hiểm với bệnh nhân nếu họ không may gặp tai nạn. 

"Thời gian tốt nhất để dừng việc chảy máu đó lại là trong vòng 2 tiếng, sau khi bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện. Nếu bệnh nhân có thuốc, được điều trị nhà (tiêm yếu tố đông máu) sẽ không tiếp tục chảy máu, điều đó đồng nghĩa khớp của họ sẽ không bị tổn thương, tránh được nhiều biến chứng nặng nề", TS Khánh phân tích. 

Nếu làm tốt điều trị dự phòng, điều trị sớm tại nhà, bệnh nhân sẽ không bị biến chứng nặng nề như nhiều người gặp phải như hiện nay. Điều trị dự phòng là uống thuốc đều đặn, tiêm yếu tố 8 với nồng độ thích hợp, từ đó sẽ không dẫn đến biến chứng chảy máu tự nhiên. 

"Vì thế, chúng tôi rất mong muốn làm thế nào để cấp thuốc cho bệnh nhân, để họ điều trị tại nhà. Điều này chúng tôi đang đề nghị Bộ Y tế, giúp bệnh nhân điều trị sớm, tránh biến chứng. Chất lượng sống của bệnh nhân sẽ được đảm bảo, không phải nghỉ học, vẫn hoạt động bình thường, xa xôi hơn nữa là không tốn quá nhiều chi phí cho việc điều trị", TS Khánh nói. 

Vì sao một bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả đến hơn 38 tỷ đồng? - 2

Nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến việc đi lại. 

Việc điều trị không kịp thời là điều khó khăn cho bệnh nhân hiện nay. Ví dụ, bệnh nhân ở Hà Nội có thể đến viện điều trị ngay, nhưng những người ở Sơn La thì để đi được đến Hà Nội là cả một câu chuyện. Người khỏe mạnh đi từng đấy quãng đường đã rất mệt. Nếu trong thời gian đấy máu tiếp tục chảy thì khớp của bệnh nhân sẽ tổn thương rất nặng. 

TS Khánh cũng thừa nhận tại nước ta việc để người bệnh tự tiêm thuốc chưa có tiền lệ (ở đây là tiêm tĩnh mạch), luật không cho phép vì rất nguy hiểm cho người bệnh. Để có ngoại lệ phải trải qua nhiều thảo luận, trao đổi, phải được sự đồng ý của luật Khám chữa bệnh vì luật không phép cấp thuốc cho bệnh nhân về nhà tự tiêm, để thay đổi cần có sự điều chỉnh luật cho một số trường hợp đặc biệt. Bệnh nhân chỉ có thể điều trị sớm được nếu họ hoặc người thân có thể tự mình tiêm thuốc đó. Dù nước ta có mạng lưới y tế cơ sở rộng nhưng lúc nào cũng có sẵn cán bộ y tế để tiêm ngay được như trong đêm… Vì thế, lý tưởng nhất và thế giới đã làm, phù hợp cho người bệnh là để họ tự tiêm thuốc đó tại nhà. 

Theo thống kê, trên thế giới cứ 1.000 người lại có 1 người mắc các rối loạn chảy máu. Tại Việt Nam, theo ước tính có trên 6.200 người bị bệnh hemophilia, trong đó có trên 60% người bệnh được chẩn đoán và điều trị. Vẫn còn gần 40% người mắc bệnh trong cộng đồng chưa được chẩn đoán và điều trị. 

Tại Việt Nam, từ chỗ chỉ có 7 cơ sở chính điều trị và quản lý người bệnh hemophilia tại các tỉnh, thành phố lớn, đến nay cả nước đã phát triển thêm 10 trung tâm hemophilia vệ tinh trải đều trên hầu hết các vùng miền.

Nếu người bệnh không được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng cách sẽ dẫn tới những hệ quả không mong muốn như suy nhược, đau đớn, biến chứng và tổn thương khớp vĩnh viễn, hoặc nặng hơn là tử vong do chảy máu ở những vị trí nghiêm trọng.

Người bệnh hemophilia phải truyền các chế phẩm từ máu suốt đời. Nhiều người bệnh do điều trị muộn đã bị tàn phế, kinh tế khó khăn, khánh kiệt.