Vì sao bị đau “vùng kín”?

(Dân trí) - Đau ở bất cứ đâu trên cơ thể đều khiến cho bạn lo lắng, khó chịu và mệt mỏi đặc biệt là vùng nhạy cảm. Hãy cùng bác sĩ Mary Jane Minkin - giáo sư lâm sàng sản phụ khoa tại Đại học Y Yale lý giải năm nguyên nhân phổ biến khiến chị em cảm thấy bị đau vùng kín và cách khắc phục nhé.

1. Mắc bệnh Herpes

1. Mắc bệnh Herpes

Không ai muốn tin rằng mình bị lây nhiễm bệnh qua đường tình dục mà phổ biến là nhiễm trùng herpes nhưng theo trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Mỹ thì cứ 6 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh này.

Nếu bị đau “vùng kín” khi giao hợp thì nhiều khả năng là bạn đã bị nhiễm Herpes. Nếu bình thường, những cơn đau thường kèm theo vết loét ở vùng âm đạo, bộ phận sinh dục ngoài, mông hay hậu môn thì bạn cần đi khám phụ khoa ngay lập tức để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

2. Nhiễm nấm men

Theo giáo sư Minkin thì cảm giác đau khi bị nhiễm nấm men không rõ ràng. Bạn thường cảm thấy khô và ngứa ở âm đạo. Đây là bệnh khá phổ biến mà hầu hết các chị em đều gặp một vài lần trong đời.

Khi cảm thấy khó chịu ở vùng kín thì dù là nhẹ bạn cũng đừng lười đi khám phụ khoa. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn cách dùng các loại thuốc chống nấm hiệu quả cho đến khi các triệu chứng khó chịu này biến mất, đảm bảo sức khỏe sinh sản và vùng nhạy cảm của mình.

3. Chứng khô âm đạo

Bạn nghĩ rằng chứng khô âm đạo chỉ xảy ra đối với phụ nữ sau mãn kinh thì bạn đã nhầm. Lượng estrogen suy giảm có nhiều nguyên nhân như dùng thuốc tránh thai, suy nhược cơ thể dẫn đến hiện tượng khô âm đạo ở ngay cả phụ nữ còn trẻ, gây khó khăn thậm chí là đau đớn khi giao hợp với bạn đời.

Estrogen được ví như một loại kem dưỡng ẩm, vì vậy nếu nồng độ estrogen suy giảm, độ ẩm của âm đạo cũng giảm gây ra chứng khô âm đạo. Bạn có thể khắc phục điều này bằng cách điều trị estrogen tại chỗ hoặc dùng loại thuốc tránh thai có lượng estrogen cao hơn.

4. Bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc viêm vùng chậu

Nếu bạn bị đau khi giao hợp hoặc trong những ngày có kinh nguyệt, nguyên nhân có thể là do tình trạng lạc nội mạc tử cung (khi niêm mạc tử cung phát triển ở chỗ khác) hoặc bệnh viêm vùng chậu (nhiễm trùng cơ quan sinh dục). Cả hai bệnh này đều khiến bạn bị đau trong âm đạo, thậm chí đau cả ở chỗ buồng trứng khi bác sĩ ấn tay vào vùng bụng để kiểm tra.

Ngoài triệu chứng đau trên thì có thể xuất hiện việc chảy máu ngoài kỳ kinh nguyệt.

Khi có những triệu chứng trên bác sĩ sẽ khám phụ khoa và siêu âm để xác định bạn mắc bệnh nào để có hướng điều trị phù hợp.

5. Đau âm hộ mãn tính

Đau âm hộ mãn tính là khi bạn cảm thấy đau xung quanh âm hộ (âm đạo) và có khoảng 9 % phụ nữ bị mắc bệnh này.

Bệnh đau âm hộ, âm đạo mãn tính có thể khiến bạn luôn cảm thấy đau khi có vật lạ vào trong âm đạo ví dụ như giao hợp hoặc sử dụng tampon.

Ngoài ra cũng có một số người bị đau tự phát mà không liên quan đến quan hệ tình dục hoặc chạm bất cứ thứ gì vào vùng kín.

Nguyên nhân gây ra hội chứng đau âm hộ mãn tính vẫn chưa được tìm rõ nhưng nếu bị bệnh này bị bạn cần đi khám sớm để các bác sĩ có biện pháp xử lý như thoa thuốc tại chỗ kèm vật lý trị liệu.

Minh Anh

Theo WH