Vì sao bệnh ung thư quay trở lại?
(Dân trí) - Bất chấp các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị, đôi khi ung thư vẫn tái phát. Nhiều người tái phát trong 5 năm đầu tiên, một số bệnh có thể tái phát trong nhiều thập kỷ sau đó.
Tại sao một số bệnh ung thư quay trở lại, và điều này xảy ra như thế nào?
Một số thuật ngữ ung thư
Theo Verywell, khi nói về ung thư tái phát, bạn cần hiểu chính xác tái phát là gì, cũng như một số thuật ngữ khác.
- Bệnh thuyên giảm: Bệnh khỏi không có nghĩa là bệnh ung thư được chữa khỏi, mà thay vào đó là đề cập đến việc không còn bệnh. Có hai loại thuyên giảm:
Khi thuyên giảm hoàn toàn, ung thư không thể phát hiện được thông qua khám sức khỏe, nghiên cứu hình ảnh hoặc xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Khi thuyên giảm một phần, ung thư vẫn có thể phát hiện được nhưng đã giảm kích thước.
- Không có bằng chứng về bệnh tật (NED): NED được định nghĩa giống như bệnh thuyên giảm hoàn toàn.
- Tái phát: Ung thư tái phát đề cập đến ung thư quay trở lại sau một thời gian thuyên giảm.
- Bệnh di căn: Ung thư di căn đề cập đến sự lây lan của các tế bào ung thư từ vị trí ban đầu của chúng đến một bộ phận khác của cơ thể. Tế bào ung thư có thể di chuyển đến các vùng xa của cơ thể thông qua hệ thống bạch huyết hoặc đường máu.
- Tiến triển: Tiến triển của ung thư đề cập đến bệnh ung thư đang trở nên tồi tệ hơn và đã tăng ít nhất 20% về kích thước hoặc đã lan rộng sau khi điều trị. Nhiều chuyên gia ung thư tin rằng các bệnh ung thư dường như tái phát trong vòng ba tháng là một quá trình tiến triển chứ không phải tái phát.
- Đáp ứng một phần: Đáp ứng một phần với điều trị có nghĩa là khối u giảm ít nhất 30% kích thước, nhưng vẫn có thể được phát hiện và chưa biến mất hoàn toàn.
- Bệnh ổn định: Bệnh ổn định nghĩa là khối u không thay đổi nhiều. Điều đó cũng có nghĩa là không có khối u mới và khối u đã không di căn đến bất kỳ vùng mới nào của cơ thể. Khối u chưa tăng đủ để gọi là bệnh tiến triển (tăng 20% trở lên) hoặc giảm đủ để gọi là đáp ứng một phần (giảm ít nhất 30%).
- Đáp ứng hoàn toàn: Đáp ứng hoàn toàn có nghĩa là bệnh thuyên giảm hoàn toàn hoặc NED (không có bằng chứng về bệnh). Điều này có nghĩa là không có khối u sót lại nào có thể được phát hiện bằng cách khám sức khỏe, chụp cắt lớp hoặc xét nghiệm máu, nhưng không có nghĩa là bệnh ung thư được chữa khỏi.
Tại sao một số bệnh ung thư quay trở lại?
Đôi khi, những người được điều trị ung thư thành công được chẩn đoán là tái phát. Điều này không có nghĩa là việc điều trị của họ không đúng hoặc không thành công. Thay vào đó, điều quan trọng là phải hiểu rằng một số bệnh ung thư có nhiều khả năng tái phát hơn những bệnh khác.
Chỉ cần một vài tế bào ung thư còn sót lại sau khi điều trị là ung thư sẽ phát triển trở lại. Cần nhiều triệu tế bào ung thư kết hợp với nhau để tạo thành một khối u có thể được phát hiện ngay cả bằng những kỹ thuật hình ảnh tiên tiến nhất.
Ung thư không phải lúc nào cũng tái phát ở cùng một vùng trên cơ thể với khối u ban đầu. Một số người có thể bị tái phát ở các cơ quan hoặc hệ thống cơ thể khác nhau. Ví dụ, sau khi cắt bỏ tuyến tiền liệt để điều trị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tương tự có thể tái phát trong xương nếu tế bào ung thư di chuyển đến đó và không đáp ứng với điều trị.
Có ba loại tái phát ung thư chính:
- Tái phát tại chỗ: Khi ung thư tái phát ở vị trí cũ hoặc gần vị trí ban đầu.
- Tái phát khu vực: Khi ung thư trở lại trong các hạch bạch huyết hoặc mô lân cận.
- Tái phát xa (còn gọi là bệnh di căn): Khi ung thư trở lại ở một cơ quan riêng biệt hoặc một phần xa của cơ thể (như ung thư tuyến tiền liệt trong xương)
Các nhà bác sĩ đã xác định rằng một số bệnh ung thư có nhiều khả năng tái phát ở các vị trí cụ thể của cơ thể. Ví dụ, sự tái phát xa của ung thư vú có nhiều khả năng được tìm thấy ở xương, não, gan hoặc phổi, trong khi sự tái phát xa của ung thư ruột kết có nhiều khả năng được tìm thấy ở gan, phổi hoặc phúc mạc.
Bệnh ung thư nào tái phát?
Một số bệnh ung thư có nhiều khả năng tái phát hơn những bệnh ung thư khác. Ví dụ, u nguyên bào thần kinh đệm (hình thành trong não hoặc tủy sống) tái phát hơn 90%. Các ước tính chỉ ra rằng 85% ung thư buồng trứng sẽ tái phát sau khi điều trị thành công. Một số loại u lympho cũng tái phát với tỷ lệ cao hơn.
Ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn nặng hơn có nhiều khả năng tái phát sau khi điều trị hơn những bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn phát triển sớm nhất.