Từ chối điều trị khi ung thư tái phát, người phụ nữ đối mặt “tử thần”
(Dân trí) - 6 tháng sau khi được phẫu thuật, hóa trị, bệnh ung thư buồng trứng của người phụ nữ dân tộc Thái (Điện Biên) đã tái phát. Bà không điều trị, khi vào viện thì đã di căn nhiều vị trí, tiên lượng xấu.
Ca bệnh được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đưa ra xin ý kiến các chuyên gia Bệnh viện K Trung ương trong buổi chẩn từ xa chiều 31/8.
Bệnh nhân là bà Lường Thị L, dân tộc Thái, 52 tuổi, có tiền sử bị ung thư buồng trứng giai đoạn 1C, đã phẫu thuật cắt tử cung, buồng trứng, mạc nối lớn. Bệnh nhân được điều trị bổ trợ paclitaxel và carboplatin 6 chu kỳ, được ra viện vào tháng 4/2018.
Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau, bệnh nhân có dấu hiệu tái phát di căn hạch trung thất, hạch thượng đòn song bệnh nhân từ chối điều trị. Đến tháng 10/2019, bệnh nhân khó thở, đau ngực nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên khám thì phát hiện dịch màng tim, màng phổi, được điều trị triệu chứng.
Đến tháng 2/2020, sau khi được các bác sĩ thuyết phục, bệnh nhân đồng ý điều trị hóa chất giảm nhẹ thì đỡ đau ngực, khó thở. Sau khi ra viện, bệnh nhân vẫn khám định kỳ, có chụp CT, triệu chứng tiến triển chậm.
Đến tháng 6, bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân đau ngực, khó thở nhiều, thể trạng gày, tràn dịch màng tim số lượng nhiều, nên được dừng điều trị hóa chất. Bệnh nhân có hạch thượng đòn trái thành đám, kích thước 3x4cm, chắc không di động. Bệnh nhân được tư vấn chuyển tuyến trên để điều trị đích nhưng không đồng ý vì kinh tế khó khăn, chỉ đồng ý điều trị triệu chứng tại bệnh viện.
Các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện K Trung ương đều thống nhất chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư buồng trứng tái phát, giai đoạn muộn, có tổn thương thứ phát ở màng tim, phổi, hạch thượng đòn.
Theo ThS.BS Lê Trí Chinh, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, bệnh nhân ở giai đoạn tái phát di căn, tính chất cấp cứu về triệu chứng vì thế cần làm can thiệp dẫn lưu màng tim, màng phổi.
“Điều rất đáng tiếc là tháng 10/2018 bệnh nhân bị tái phát nhưng đến tận tháng 2/2020 mới tiếp tục điều trị hóa chất. Thời gian rất lâu nên đã bỏ phí cơ hội khi bệnh đang ở giai đoạn điều trị được. Trường hợp này hiện về ngoại khoa không có chỉ định can thiệp, không có dấu hiệu bán tắc ruột, ít dịch ổ bụng, vì thế hướng điều trị tiếp theo xin ý kiến các nhà hóa chất”, Ths Chinh nhấn mạnh.
TS.BS Hàn Thị Thanh Bình, Phó khoa Nội 5 cho rằng chỉ sau 6 tháng, bệnh nhân đã tiến triển tái phát từ giai đoạn 1C là nhanh dù đã được phẫu thuật, điều trị bổ trợ. Lúc này với bệnh nhân, điều trị triệu chứng là hàng đầu, có thể tính toán việc dùng hóa chất (đơn chất, không dùng phối hợp).
Các chuyên gia nhận định, hiện với bệnh nhân này điều trị triệu chứng là chính. Bệnh ung thư đã tái phát ở giai đoạn lan tràn, tiên lượng rất xấu. Nếu thay đổi phác đồ điều trị hóa chất thì tỷ lệ đáp ứng dưới 20%, thời gian duy trì đáp ứng cũng chỉ 2-3 tháng. Vì thế, bệnh viện nên trao đổi kỹ với gia đình xem có nên tiếp tục điều trị hóa chất hay chăm sóc giảm nhẹ vì tình trạng bệnh nhân nặng.
Ngày 31/8, Bệnh viện K tổ chức Lễ khai trương hệ thống Telehealth kết nối với 63 cơ sở y tế.
Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, việc triển khai khám chữa bệnh từ xa trong thời điểm hiện tại thể hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về việc giãn cách xã hội. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, và có nhiều lợi ích cho người bệnh và các cơ sở y tế.
Theo đó, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường công tác khám chữa bệnh ở tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trong trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được.
Người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.