1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao bạn dễ ốm khi thời tiết chuyển mùa?

(Dân trí) - Khi đông chuyển sang hè, nhiệt độ thay đổi liên tục khiến bạn bị ốm. Và không chỉ một mình bạn bị như vậy.

Vì sao bạn dễ ốm khi thời tiết chuyển mùa? - 1

Các bệnh lây truyền do rhinovirus diễn ra phổ biến vào các giai đoạn chuyển mùa. Các chuyên gia cho biết có 1 số yếu tố đóng vai trò quan trọng trong những đợt bệnh tăng đột biến này.

Trong cả 2 giai đoạn chuyển mùa, từ đông sang hè, từ thu sang đông, các bệnh dị ứng theo mùa có thể làm tăng nguy cơ đau ốm cho người bệnh.

Theo TS. Bradley Chipps, chủ tịch ĐH Dị ứng – Hen và Miễn dịch Mỹ, người có bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa sẽ dễ bị lây bệnh hơn do vi rút tập trung trong mũi họ. Ngoài ra, do hệ miễn dịch tập trung vào chứng dị ứng nên ít có nguồn lực để bảo vệ cơ thể khỏi các kẻ ngoại xâm khác.

Thậm chí, nếu bạn không bị dị ứng, những sự thay đổi đột ngột về áp suất, nhiệt độ và gió có thể gây kích ứng đường thở và mũi - làm ảnh hưởng tới hệ miễn dịch vốn có nhiệm vụ chống lại cảm lạnh và nhiễm trùng.

Nghiên cứu cho thấy cảm lạnh thường tăng lên khi nhiệt độ thấp đi. Nghiên cứu gần đây từ ĐH Yale cho thấy nhiệt độ môi trường chênh lệch khoảng 7 độ là đủ gây rối cho hệ thống phòng thủ vi rút của cơ thể.

“Mỗi lần chúng ta bị nhiễm trùng, cơ thể sẽ sản xuất ra interferons để ngăn chặn vi rút. Sự thay đổi nhiệt độ đáng kể không chỉ làm giảm phản ứng miễn dịch mà còn tạo cơ hội cho vi rút nhân lên nhiều hơn”, chuyên gia về miễn dịch, Akiko Iwasaki, Trường Y Yale nói.

Điều này giải thích tại sao tỉ lệ cảm cúm lại tăng lên vào cuối thu đầu đông, khi nhiệt độ đột ngột giảm. Vậy còn mùa xuân thì sao?

Có thể mọi người thường đi ra ngoài vào mùa xuân hơn là đầu đông – khi thời tiết ấm áp hơn – khiến cơ hội tiếp xúc với vi rút tăng lên.

Vậy làm gì để ngăn ngừa cảm cúm, cảm lạnh khi thời tiết thay đổi?

“Giữ cho vùng mũi luôn ấm sẽ giúp bảo vệ hệ miễn dịch. Ngay cả vào những ngày mùa xuân, đắp khăn ấm lên mũi sẽ có thể tạo sự khác biệt. Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn hoặc chạm vào mắt, mũi hoặc miệng, có lẽ là cách tốt nhất để giữ cho các vi sinh vật gây bệnh trong cơ thể.”, bà Iwasaki nói.

Tập thể dục thường xuyên và thiền cũng làm giảm căng thẳng cũng là những cách giúp giảm cảm lạnh, cảm cúm. Che tay khi hắt hơi cũng là giải pháp hạn chế vi khuẩn, vi rút.

Nhân Hà

Theo Time