Vì sao "bác sĩ Khiêm" qua mặt được Đại học Y Dược TPHCM để vào khu cách ly?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Để vào được khu cách ly, Nguyễn Quốc Khiêm đã có tên trong danh sách 8 sinh viên tham gia hỗ trợ do chính Đại học Y Dược TPHCM giới thiệu, chỉ từ một tấm ảnh thẻ sinh viên giả mạo.

Liên quan đến sự việc Nguyễn Quốc Khiêm giả danh sinh viên trường y để vào được khu cách ly điều trị Covid-19 ở TPHCM, sau đó "hô biến" mình thành thạc sĩ, bác sĩ khoa Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với Công an TPHCM xác minh xử lý.

Vào khu cách ly nhờ tấm ảnh thẻ sinh viên giả mạo

Trước khi chờ kết quả xác minh, làm rõ từ cơ quan chức năng, dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi: Vì sao Nguyễn Quốc Khiêm có thể dễ dàng đóng vai sinh viên của Trường Đại học Y Dược TPHCM để vào khu cách ly, điều trị Covid-19 tại quận 12 và hoạt động trong một thời gian dài?

Trao đổi với PV Dân trí sáng 22/2, ông Trương Văn Đạt, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, những ngày xảy ra đại dịch, hơn 5.000 sinh viên của trường đã đăng ký tham gia hỗ trợ chống dịch nhiều nơi.

Tháng 7/2021, quận 12 có công văn xin hỗ trợ khẩn cấp người cho khu cách ly đóng tại Trường Cao đẳng Điện lực TPHCM. Sau khi nhận công văn này, trường gửi thông tin lên các nhóm làm việc trên mạng xã hội để cho các sinh viên đăng ký, trên tinh thần tình nguyện. Trong số 10 người đăng ký tham gia, có trường hợp của Nguyễn Quốc Khiêm.

Để xác minh danh tính, đội trưởng quản lý nhóm tình nguyện yêu cầu người đăng ký gửi ảnh thẻ sinh viên trường để kiểm tra.

Vì sao bác sĩ Khiêm qua mặt được Đại học Y Dược TPHCM để vào khu cách ly? - 1

Hình ảnh thẻ sinh viên giả mạo của Nguyễn Quốc Khiêm.

"Khiêm chụp ảnh gửi vào, nhìn đúng với form (mẫu) thẻ sinh viên của trường. Trước giờ chưa từng có trường hợp nào làm giả thẻ sinh viên, không ai lường trước sẽ xảy ra việc này, vì thời điểm đó tình hình rất kinh khủng. Rất cần người, có người tình nguyện tham gia là rất quý rồi…" - nguồn tin lý giải.

Sau khi đối chiếu thông tin qua một bức ảnh thẻ sinh viên, ngày 13/7/2021, Nguyễn Quốc Khiêm lọt vào danh sách 8 nhân sự do Đại học Y Dược TPHCM giới thiệu sang quận 12 hỗ trợ chống dịch.

Vì là sinh viên, công việc chính của Khiêm là lau dọn, đo huyết áp… chứ không có quyền hạn điều trị.

"Một bài học sâu sắc"

Theo ông Đạt, đến cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, phía UBND quận 12 bất ngờ liên hệ với trường, đề nghị xác minh thông tin "bác sĩ Khiêm", vì nghe nói "giỏi lắm", "làm rất được việc". Lúc này, lãnh đạo phòng Công tác sinh viên mới "tá hỏa" vì toàn bộ nhân sự gửi đi hỗ trợ chỉ là sinh viên.

Tiếp tục tra lên hệ thống hồ sơ, phía Trường Đại học Y Dược TPHCM phát hiện Nguyễn Quốc Khiêm là sinh viên giả mạo.

Vì sao bác sĩ Khiêm qua mặt được Đại học Y Dược TPHCM để vào khu cách ly? - 2

Hình ảnh "bác sĩ Khiêm" được một tờ báo chuyên về sức khỏe đăng tải, đã bị gỡ vào sáng 22/2 (Ảnh chụp màn hình).

"Người này giả mạo đến mức khi qua khu cách ly xưng là thạc sĩ, bác sĩ, khoe bằng chứng nhận khoa học, bằng khen, đủ thứ bằng…

Sau khi xác minh, chúng tôi đã báo cáo với quận 12 để mời Khiêm lên làm việc. Quá trình làm việc Khiêm đã xác nhận mình sai, mọi chuyện đã xử lý dứt điểm từ tháng 10/2021" - ông Trương Văn Đạt khẳng định.

Trước câu hỏi của PV về việc Nguyễn Quốc Khiêm bị xử lý thế nào với hành vi giả mạo sinh viên trường y, giả danh bác sĩ để tham gia điều trị Covid-19, ông Đạt cho biết vì đây không phải là sinh viên của trường, nên trường không thể xử lý.

Về phía quận 12, Khiêm cũng đã bàn giao hết các trang thiết bị trong khu cách ly. Các vấn đề khác nếu người này sai phạm sẽ do công an điều tra, làm việc theo quy định.

"Không biết động cơ người này tìm cách vào khu cách ly là gì, nhưng tôi nghe nói cũng đã giúp được cho nhiều người. Thực tế, từ tháng 7, Khiêm chỉ ở khu cách ly F1, mới được phân công qua khu cách ly điều trị F0 vài ngày đã bị phát hiện" - ông Đạt thông tin thêm.

Trưởng phòng Công tác sinh viên, Đại học Y Dược TPHCM thừa nhận, sự việc là bài học để trường rút kinh nghiệm, phải đối chiếu 2 chiều, tra soát kỹ trên hệ thống xác minh chính xác có phải là sinh viên trường hay không.

"Thú thật thời điểm đó rất căng thẳng, tôi và mọi người đều tham gia chống dịch nhiều nơi. Bản thân mình cũng tin tưởng anh em gửi danh sách lên, nên mới xảy ra việc này. Đây thật sự là một bài học sâu sắc" - ông Đạt chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm