1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao bác sĩ gia đình “vắng như chùa Bà Đanh”?

(Dân trí) - Phát triển ở cả hệ thống y tế công lập tuyến cơ sở và nhân rộng sang y tế tư nhân, song đến nay nhiều phòng khám bác sĩ gia đình gần như không có người bệnh. Ngoài những yếu kém về năng lực, mô hình này còn bị nhiều rào cản về cơ chế.

Nơi bề thế, chốn ảm đảm

Mang mô hình bác sĩ gia đình từ phương Tây về Việt Nam, “nhân giống” tại Sài Gòn, xây dựng sau các nước hơn nửa thế kỷ, ngành y tế kỳ vọng sẽ “đi tắt đón đầu”, đưa mô hình bác sĩ gia đình thành “kim chỉ nam” giải quyết vấn nạn quá tải người bệnh. Nhưng thực tế, sự phát triển ì ạch nhiều năm qua khiến bác sĩ gia đình chỉ tăng về số lượng phòng khám, chưa thu hút được người bệnh.

Cảnh nhân viên y tế tại một phòng khám bác sĩ gia đình thuộc quận Bình Tân chờ ngóng bệnh nhân
Cảnh nhân viên y tế tại một phòng khám bác sĩ gia đình thuộc quận Bình Tân chờ ngóng bệnh nhân

Sau 4 năm thí điểm, “cái nôi” bác sĩ gia đình tại TPHCM tính đến đầu năm 2017 nhìn về hình thức đã “bề thế” khi 19/23 bệnh viện quận huyện triển khai phòng khám bác sĩ gia đình. Bên cạnh đó là 6 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và 7 phòng khám bác sĩ gia đình nằm trong phòng khám đa khoa tư nhân. Chiếm giữ vị trí áp đảo nhất là con số 191/319 trạm y tế tuyến phường xã đã lập phòng khám bác sĩ gia đình.

Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có những phòng khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện tuyến quận - huyện thu hút được người bệnh bởi tại đây trang bị nhiều phương tiện hiện đại phục vụ khám chữa bệnh, danh mục thuốc bảo hiểm y tế được đáp ứng đầy đủ. Ngược lại, tại phòng khám bác sĩ gia đình thuộc trạm y tế tuyến phường xã là bức tranh ảm đạm khiến bác sĩ muốn bỏ nghề.

Không để mặc trạm y tế tự bơi

Lý giải cho thực trạng trên, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về công tác phát triển bác sĩ gia đình (chiều 27/3), nhiều hạn chế đã được nêu lên. Đại diện Sở Y tế cho rằng, dù đã được đào tạo nhưng phòng khám bác sĩ gia đình tuyến phường xã hiện chỉ có 1 bác sĩ, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh nghèo nàn, phụ cấp, thu nhập thấp khiến nhiều bác sĩ không muốn gắn bó với nghề.

Mặt khác, phòng khám bác sĩ gia đình đặt tuyến cơ sở chưa được cấp đủ cơ số thuốc bảo hiểm y tế, chưa có sự phối hợp với các bệnh viện quận - huyện nên bệnh nhân không được theo dõi sức khỏe liên tục trong trường hợp chuyển viện.

Người bệnh vẫn đổ dồn lên tuyến cuối vì bác sĩ gia đình chưa mang lại lòng tin và quyền lợi cho họ
Người bệnh vẫn đổ dồn lên tuyến cuối vì bác sĩ gia đình chưa mang lại lòng tin và quyền lợi cho họ

Không chỉ bị bảo hiểm y tế “ngó lơ”, bác sĩ gia đình tuyến phường xã còn bị đối xử như “con ghẻ” khi các kết quả xét nghiệm, siêu âm không được bệnh viện tuyến quận - huyện công nhận. Đại diện Trung tâm Y tế quận 1 cho rằng: “Từ khi áp dụng thông tuyến bảo hiểm y tế (tháng 3/2016) bệnh nhân đều lên bệnh viện quận khám, chữa bệnh, lấy thuốc. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, phòng khám bác sĩ gia đình tuyến phường xã khó có thể tồn tại”.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Muốn phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình cần phải có sự phối hợp giữa bệnh viện và trạm y tế triển khai bác sĩ gia đình, không thể để mặc trạm y tế tự bơi. Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư 16 (sửa đổi) về thí điểm bác sĩ gia đình, trong đó quy định rõ những danh mục kỹ thuật, tài chính, thuốc cơ bản dùng cho các trạm y tế xã - phường”.

Những điều khoản sửa đổi sẽ hướng trạm y tế đến mục tiêu vừa thực hiện chức năng phòng dịch, phòng bệnh lây nhiễm, đồng thời phòng cả những bệnh không lây nhiễm, kết hợp chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện, điều trị những bệnh nhẹ.

Bộ trưởng Kim Tiến khẳng định: “Các phòng khám bác sĩ gia đình sẽ được bảo hiểm y tế chi trả những kỹ thuật cận lâm sàng cơ bản trong chẩn đoán, điều trị những bệnh nhẹ, bệnh thông thường. Trong tương lai,những gói dịch vụ về quản lý sức khỏe toàn diện, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng sẽ được bảo hiểm y tế chi trả”.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm