1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ gia đình mới chỉ khám chữa bệnh nhức đầu, sổ mũi

(Dân trí) - Bác sĩ gia đình đã phủ khắp các quận huyện, song mô hình vẫn chưa phát huy hiệu quả bởi năng lực bác sĩ còn hạn chế, chủ yếu khám các bệnh nội khoa mạn tính. Sắp tới thành phố sẽ tăng thêm nhân sự, trang thiết bị, triển khai ít nhất 2.000 phòng khám.

“Chìa khóa” giảm quá tải chưa đạt được kỳ vọng

Đi sau các nước phát triển nhiều thập kỷ, mô hình bác sĩ gia đình của Việt Nam mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn. Xét về bản chất theo hình mẫu của các quốc gia đi trước, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, có trình độ tương đối toàn diện, đi sâu vào việc chăm sóc sức khỏe cho từng cá thể trong cộng đồng, giải quyết những vấn đề sức khỏe ban đầu.

Bác sĩ gia đình có kỹ năng tư vấn tâm lý để khám, chẩn đoán, tiên lượng, tư vấn và hướng dẫn cho người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ gia đình còn góp phần vào công tác dự phòng bệnh tật qua tư vấn, hướng dẫn người bệnh về chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt và các biện pháp vệ sinh, phòng dịch.

Quá tải bệnh viện đang là thực trạng gây mất niềm tin ở người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị
Quá tải bệnh viện đang là thực trạng gây mất niềm tin ở người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị

Tuy nhiên, sau 2 năm tiên phong triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình, theo báo cáo tổng kết sơ bộ của GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM trong Hội nghị Quốc tế Bác sĩ Gia đình lần thứ I diễn ra tại TPHCM (ngày 18/11), đã có 224 phòng khám gia đình lập tại bệnh viện, trạm y tế phường, phòng khám tư nhân.

Tuy nhiên, số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các phòng khám bác sĩ gia đình còn hạn chế với hơn 650 ngàn lượt bệnh nhân, cấp cứu hơn 900 trường hợp, thủ thuật gần 6.000 ca, chuyển tuyến gần 4.000 ca và đặc biệt là chỉ có hơn 80 nghìn bệnh nhân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe một cách toàn diện. Như vậy, nếu so với 30 triệu lượt người bệnh đến khám chữa bệnh trên toàn tuyến của cả hệ thống y tế thành phố thì còn quá ít.

Đặc biệt, phòng khám bác sĩ gia đình mới chỉ chú trọng khám chữa những bệnh lý nội khoa mạn tính trong khi các bệnh lý liên quan đến sơ cấp cứu khám chữa bệnh cấp tính chưa được chú trọng.

Tăng cường đầu tư cho mô hình bác sĩ gia đình

Phân tích những hạn chế sau giai đoạn đầu triển khai mô hình bác sĩ gia đình, GS Nguyễn Tấn Bỉnh chỉ ra: “Hiện nay, kỹ năng của bác sĩ gia đình chưa đồng đều, chưa tạo được sự tin tưởng nên chưa thu hút được người bệnh.

Mặt khác, đa phần bác sĩ gia đình tại các trạm y tế đều kiêm nhiệm, trong khi công việc tại trạm y tế rất nhiều nhưng nhân sự lại quá mỏng, bác sĩ vừa lo khám chữa bệnh lại phải tham gia cả nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và quản lý nên chưa thể tập trung vào công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Tuyến y tế cơ sở cần tăng cường đầu tư cả nhân sự và trang thiết bị để thu hút bệnh nhân
Tuyến y tế cơ sở cần tăng cường đầu tư cả nhân sự và trang thiết bị để thu hút bệnh nhân

Bên cạnh đó, mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế, hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ nên chưa đạt được mục tiêu quan lý hồ sơ của người bệnh.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Giám đốc Sở Y tế khẳng định trước mắt, để tăng cường chất lượng chuyên môn, trung tâm y tế quận huyện sẽ tiếp tục cử bác sĩ tham gia các khóa đào tạo bác sĩ y học gia đình; hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án bác sĩ gia đình, xây dựng và áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong khám và điều trị, lưu trữ thông tin người bệnh trong chuyển viện, theo dõi sau điều trị ở tuyến trên.

Tất cả phòng khám bác sĩ gia đình sẽ thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để tạo điều kiện thuận lợi, thu hút người bệnh.

Cùng với việc tăng cường đầu tư trang thiết bị cho phòng khám bác sĩ gia đình, ngành y tế sẽ xây dựng phác đồ điều trị dành cho bác sĩ trạm y tế, bố trí ít nhất 1 bác sĩ đảm nhiệm công tác khám chữa bệnh thường xuyên.

Theo dự kiến, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ triển khai ít nhất 2.000 phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn địa bàn.

Vân Sơn