"Bắt mạch, trị bệnh" yếu kém của phòng khám Bác sĩ Gia đình
(Dân trí) - Sau nhiều năm triển khai, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại TPHCM chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng phục vụ người bệnh. Mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối chưa mang lại kết quả khả thi.
TPHCM là địa phương tiên phong triển khai mô hình phòng khám Bác sĩ Gia đình. Sau khi thí điểm tại Bệnh viện Quận 10, từ năm 2013 đến đầu tháng 2 năm 2017 thành phố có 19/23 bệnh viện quận huyện, 6 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, 7 phòng khám bác sĩ gia đình nằm trong phòng khám đa khoa tư nhân và 191/319 trạm y tế lập phòng khám Bác sĩ Gia đình. Trong đó, tại tuyến Trạm y tế phường xã hiện có 218 bác sĩ gia đình hoạt động.
Trên thực tế, hiện chỉ có những phòng khám Bác sĩ Gia đình thuộc tuyến bệnh viện quận huyện mới thu hút được người bệnh, các phòng khám tư nhân còn ít hấp dẫn với bệnh nhân.
Đặc biệt, tại các phòng khám bác sĩ gia đình tuyến y tế phường xã, do thiếu cả nhân lực chuyên môn, trang thiết bị, hạn chế danh mục thuốc Bảo hiểm Y tế nên chưa thu hút được người bệnh.
Các phòng khám hiện chỉ chú trọng công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh lý nội khoa mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành…).
Các hoạt động chuyên môn khác như sơ cứu, cấp cứu, khám chữa bệnh cấp tính chưa được chú trọng.
Trước thực tế trên, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thẳng thắn nhìn nhận: Hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu số lượng theo kế hoạch phát triển của ngành Y tế. Mặt khác, chất lượng phòng khám bác sĩ gia đình cũng chưa đáp ứng được mục tiêu cung cấp dịch vụ cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng theo nguyên lý y học gia đình. Do chưa thu hút được người bệnh nên mục tiêu giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối của thành phố chưa đạt được kỳ vong.
Để cải thiện tình hình trên, đại diện Sở Y tế cho biết, dự kiến từ này đến hết quý II năm 2017, Sở sẽ lập “Ban chỉ đạo phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình” nhằm đẩy mạnh phát triển cả số lượng và chất lượng mô hình bác sĩ gia đình; xây dựng phần mềm ứng dụng tại các phòng khám Bác sĩ Gia đình, liên thông từ cơ sở lên Sở Y tế và Bộ Y tế; xây dựng chuẩn chất lượng phòng khám Bác sĩ Gia đình, đồng thời phối hợp với các trường đào tạo nhân lực chuyên môn và quản lý bác sĩ gia đình để giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực.
Vân Sơn