1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao bác sĩ gia đình khó thu hút người bệnh?

(Dân trí) - Tại buổi mạn đàm với Bí thư Đinh La Thăng, GS Trần Đông A hiến kế phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ giải quyết tận gốc tình trạng quá tải bệnh viện. Tuy nhiên, trên thực tế, mô hình này còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được người bệnh.

Theo thông tin từ BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM, hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa khám bệnh đã được triển khai tại 20/23 bệnh viện tuyến quận huyện trên toàn địa bàn. Mô hình được thực hiện với quy mô từ 1 đến 4 bàn khám, do các bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn về y học gia đình phụ trách.

Các phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế phường xã đều trong tình trạng vắng khách
Các phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế phường xã đều trong tình trạng vắng khách

Tiêu biểu, tại bệnh viện Quận 10, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được phân thành khu vực riêng biệt với quy trình khép kín từ khám chữa bệnh; thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng; chẩn đoán hình ảnh và thu phí. Tại các bệnh viện khác, bác sĩ gia đình được lồng ghép trong khoa khám bệnh bao gồm các hình thức khám dịch vụ bảo hiểm y tế hoặc thu phí hoàn toàn.

Bên cạnh đó, bác sĩ gia đình đã được triển khai tại 136 trên tổng số 319 trạm Y tế phường xã với cấu trúc 1 phòng khám có 1 bàn khám bác sĩ gia đình.

BS Tăng Chí Thượng cho hay, đến nay đã có hơn 43% số trạm y tế phường xã đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nhân sự để thành lập phòng khám bác sĩ gia đình.

Theo kế hoạch trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2020, Sở Y tế thành phố sẽ có mô hình chuẩn phòng khám bác sĩ gia đình. Mô hình này được triển khai đến 100% trạm y tế phường, xã và các phòng khám tư nhân. Sở cũng sẽ hoàn thiện việc xây dựng các biểu mẫu khám, xét nghiệm và chuyển bệnh viện; xây dựng mạng quản lý thông tin, bệnh án điện tử, hệ thống chuyển bệnh viện cũng như các thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh. Tuy nhiên, công việc trên còn dang dở do Bộ Y tế chưa ban hành các thông tư hướng dẫn.

Người dân đến với bác sĩ gia đình chủ yếu là những bệnh lý thông thường
Người dân đến với bác sĩ gia đình chủ yếu là những bệnh lý thông thường

Đến nay, số phòng khám thuộc tuyến phường xã có mô hình bác sĩ gia đình hoạt động độc lập tại TPHCM mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số đơn vị đã hoạt động độc lập có thể kể ra như: trạm y tế phường Cô Giang (quận 1); phường Tân Hưng (quận 7); phòng khám vệ tinh bệnh viện quận (phường 9, phường 10 thuộc bệnh viện quận 10) và phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với hoạt động phòng khám liên chuyên khoa của Trung tâm Y tế Dự phòng Quận 2 đặt tại trạm y tế. Khối y tế tư nhân chỉ có hai phòng khám bác sĩ gia đình gồm phòng khám Đa khoa tư nhân Thành Công và Phòng khám Đa khoa Bác sỹ Gia đình.

Sau nhiều năm triển khai, mô hình bác sĩ gia đình tại TPHCM vẫn chưa nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Đa số phòng khám bác sĩ gia đình thuộc tuyến phường xã đều trong tình trạng vắng khách. Một số ít người bệnh đến khám chữa chủ yếu chỉ mắc những bệnh lý thông thường như cảm cúm, nhức đầu hoặc theo dõi bệnh mạn tính. Phần lớn người dân khi bị bệnh đều tự ý đến bệnh viện tuyến trên điều trị mà không thông qua khám, chỉ định cũng như giới thiệu chuyển tuyến của bác sĩ gia đình.

Thiếu trang thiết bị và bác sĩ là cản trở lớn khi thực hiện mô hình
Thiếu trang thiết bị và bác sĩ là cản trở lớn khi thực hiện mô hình

Lý giải cho thực trạng trên, BS Tăng Chí Thượng cho hay, mô hình bác sĩ gia đình tại TPHCM đang trong giai đoạn thí điểm nên còn nhiều vấn đề cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm. Những hạn chế đang tập trung tại chủ yếu tại phòng khám bác sĩ gia đình của trạm y tế phường xã.

Nguyên nhân khiến người bệnh chưa quan tâm đến phòng khám bác sĩ gia đình là do năng lực khám, chữa bệnh của trạm y tế phường xã chưa phù hợp với yêu cầu của mô hình. Hiện nhân sự có chuyên môn y học gia đình còn thiếu nên hầu hết bác sĩ tại trạm y tế phải kiêm nhiệm, ngoài nhiệm vụ của bác sĩ gia đình họ còn phải tham gia nhiều công tác chuyên môn khác như: phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng, các chương trình sức khoẻ và những hoạt động của địa phương.

Mặt khác, danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho trạm y tế phường xã còn hạn chế, nhiều nơi chưa đủ điều kiện ký hợp đồng triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên không đáp ứng được nhu cầu cho người dân. Ngoài ra, sự thiếu thốn về trang thiết bị dẫn tới trạm y tế chưa thực hiện nhiều kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng hoặc các xét nghiệm kiểm tra ban đầu nên các phòng khám bác sĩ gia đình tuyến cơ sở khó thu hút được bệnh nhân.

Để mô hình bác sĩ gia đình thực sự trở thành điểm đến tin cậy của người bệnh, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM kiến nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành và hướng dẫn mẫu hồ sơ bệnh án, quy trình, quy chế về phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp với đặc thù của hệ thống phòng khám bác sĩ gia đình. Muốn công tác đào tạo bác sĩ y học gia đình đạt chất lượng tốt, ngành y tế cần xây dựng các cơ sở thực hành dành cho chuyên ngành y học gia đình và phần mềm điện tử quản lý thông tin bệnh nhân của phòng khám bác sĩ gia đình.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm