Vì sao 26 cơ sở ghép tạng ở Việt Nam hoạt động kém hiệu quả?
(Dân trí) - Theo Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, 26 cơ sở ghép tạng ở Việt Nam đang hoạt động kém hiệu quả, không đồng đều, đầu tư ít và không đúng.
Ngày 5/4, Tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị phát triển "Mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng" khu vực phía Nam và trao quyết định thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hàng chục nghìn người chờ ghép tạng cứu mạng
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại phía Nam cho biết, tại các nước phát triển, việc hiến tạng đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên ở Việt Nam, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp này. Trong khi đó, cả nước đang có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống.
Theo ông Thức, để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này, cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng. Việc tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, thay đổi thái độ, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp dân cư trong cộng đồng là hết sức cần thiết.
Suốt 1 tuần qua, Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia đã tổ chức chương trình đào tạo 4 ngày để phát triển mạng lưới tư vấn viên hiến ghép tạng, cũng như tập huấn việc chẩn đoán chết não, hồi sức, công tác chuẩn bị lấy tạng hiến ghép cho bệnh nhân.
Công tác vận động đã được thực hiện rất lâu nhưng chưa hệ thống hóa từ Trung ương đến địa phương và còn mang tính chất "tản mác". Do đó, việc thành lập Chi hội tại Bệnh viện Chợ Rẫy là cánh tay nối dài cho mạng lưới điều phối hiến ghép tạng quốc gia, góp phần tạo ra nguồn tạng phong phú, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
Theo bác sĩ Thức, có 4 nội dung rất quan trọng trong vấn đề hiến ghép tạng, đó là vận động, điều phối, ghép và hồi sức. Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập ngoài việc phát triển nội dung "vận động" cũng giúp tăng cường minh bạch hóa việc hiến ghép tạng.
"Chi hội sẽ cố gắng đẩy mạnh và phát triển mạng lưới tư vấn để nhận được nhiều sự hưởng ứng tham gia hiến tặng mô tạng sau khi qua đời của người dân, cứu giúp những bệnh nhân có chỉ định ghép nhưng không có nhiều cơ hội, kéo dài sự sống cho họ", Trưởng Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại phía Nam khẳng định.
10 "chìa khóa" phát triển nguồn tạng hiến từ người chết não
Phó giáo sư Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ, tại Việt Nam, trung bình chỉ có 0,15% ca chết não hiến tạng. Trong khi đó ở các nước Âu Mỹ, Bắc Mỹ, tỷ lệ người chết não hiến tạng lên đến 50-60%, gấp hàng trăm lần ở nước ta.
Tại Thái Lan (quốc gia trong khu vực Đông Nam Á), chỉ trong năm 2022 đã có 547 ca ghép thận từ người cho chết não (trong tổng số 700 ca ghép), bằng số lượng ca ghép tạng từ người chết não của Việt Nam trong 13 năm.
Ông Hệ dẫn chứng, nước ta còn thực trạng số lượng người đăng ký hiến tạng thấp (80.000 người), tạng hiến chủ yếu từ người sống. Việt Nam cũng chưa có luật về người chết tim. 26 cơ sở ghép tạng hiện có trong nước hoạt động kém hiệu quả, không đồng đều, đầu tư ít và không đúng.
"Nguyên nhân các hoạt động ở bệnh viện yếu kém không phải vì họ không làm được, mà chủ yếu do không có tạng hiến. Rất nhiều những trường hợp bệnh nhân chờ ghép tạng mà không có phổi, tim… Bệnh nhân qua đời trong sự tiếc nuối của bác sĩ, mà không thể làm gì được", ông Hệ nói.
Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia chỉ ra 10 "chìa khóa" để phát triển nguồn hiến ghép tạng từ người chết não. Trong đó, có 7 yếu tố liên quan đến bệnh viện (có tổ tư vấn chuyên nghiệp, đào tạo liên tục, văn hóa hiến, kế hoạch, tăng cường nguồn hiến, sự ủng hộ của lãnh đạo, mạng lưới các bệnh viện) và 3 yếu tố là hệ thống (luật, quản lý thông tin, trung tâm điều phối).
Đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang nhận định, ở nước ngoài việc hiến tặng mô tạng chủ yếu vì mục đích nhân đạo, trong khi Việt Nam còn bị tác động bởi tình trạng mua bán tạng. Do đó, cần đặt vấn đề về chính sách hỗ trợ lại cho thân nhân, bệnh nhân hiến ghép tạng.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), sau 32 năm thực hiện ca ghép tạng đầu tiên và 14 năm triển khai công tác lấy tạng từ người cho chết não, Việt Nam đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Trong đó, có 6,764 ca ghép thận, 456 ca ghép gan, 65 ca ghép tim, 1 ca ghép thận - tụy, 1 ca ghép tim - phổi. Ngoài ra, có một số ca ghép chi trên và ghép ruột… Hiện tại, có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Hơn 10 năm qua, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện kỹ thuật ghép tạng, đồng thời có chẩn đoán chết não và hồi sức chết não hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đây là một lý do khiến tỷ lệ người chết não hiến tạng còn rất thấp tại Việt Nam.
"Chính vì vậy, việc phát triển mạng lưới các bệnh viện thực hiện chẩn đoán chết não và hồi sức chết não hiến mô, bộ phận cơ thể người trên toàn quốc theo hình mẫu triển khai tại nhiều quốc gia ở châu Âu, Mỹ đang trở thành định hướng của Bộ Y tế trong thời gian tới", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.