1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vi rút EV 71 có biến đổi về độc lực?

(Dân trí) - Trước một số ca bệnh tay chân miệng dù nhập viện sớm vẫn tử vong, điển hình là ca tử vong của bệnh nhi 3 tuổi tại miền Bắc, nhiều người hoang mang lo lắng, cho rằng vi rút EV 71 đã biến đổi về độc lực, gây bệnh cảnh nặng, diễn tiến nhanh…

Trước lo ngại này, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ khẳng định, đến nay, chưa ghi nhận sự biến đổi độc lực nào của vi rút EV 71.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, phòng thí nghiệm vi rút đường ruột của viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nằm trong mạng lưới các phòng thí nghiệm của Tổ chức y tế thế giới được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nhiều năm qua có khả năng xác định đặc điểm phân tử của các vi rút đường ruột. Các nghiên cứu về vi rút học của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho thấy tỷ lệ các ca TCM dương tính với các vi rút đường ruột nói chung là 58%, trong số đó thì vi rút EV71 chiếm 33%, chủ yếu là phân nhóm C4, là chủng vi rút cũng đã lưu hành trong những năm trước đây ở Việt Nam.
 

Vi rút EV 71 có biến đổi về độc lực? - 1

Các nghiên cứu này cũng không phát hiện có sự thay đổi của vi-rút EV71 tại Việt Nam. Theo ông Hiển, điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, vi-rút EV71 có thể gây bệnh nặng hơn so với các vi-rút khác, tuy nhiên không có bằng chứng thuyết phục về sự biến chủng của vi-rút EV71 có thể làm tăng quá trình nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gây tử vong...

Thực tế, do vi-rút EV 71 gây bệnh cảnh nặng nề hơn các vi-rút khác nên có một số trẻ dù được đưa tới viện sớm nhưng vẫn tử vong do bệnh diễn tiến nhanh, ở mức tối cấp. Như ca tử vong của bệnh nhi 3 tuổi tại Hà Nội. Sau khởi sốt cao 1 ngày không đáp ứng thuốc hạ sốt, nổi ban ở miệng, lòng bàn tay (dù không phải là ban phỏng nước điển hình của tay chân miệng) nhưng gia đình đã lập tức đưa bé tới bệnh viện Nhi TƯ khám. Được điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhi này vẫn tử vong vì suy tuần hoàn, phù phổi… Nguyên nhân là do bệnh nhi này mắc tay chân miệng thể tối cấp (cực nặng, diễn tiến nhanh) do vi rút EV 71 gây ra. Thể bệnh này diễn tiến nhanh trong vòng 24 - 72h, gây viêm cơ tim, suy tuần hoàn, cộng với sốt cao đã dẫn tới tình trạng sốc. Tại miền Bắc từ đầu năm đến nay có 101 ca bệnh dương tính với EV71, hầu hết là thể nhẹ, ở giai đoạn 1, được điều trị theo dõi tại nhà (chỉ có 1 trường hợp tử vong).

TS Hiển nhận định, trong thời gian tới dịch có thể vẫn diễn biến phức tạp, bệnh có thể vẫn xảy ra tản phát ở nhiều nơi. Bởi bệnh tay chân miệng do vi-rút đường ruột gây nên, chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị trong khi tỷ lệ người lành mang trùng cao. Việc phòng bệnh hoàn toàn dựa vào ý thức vệ sinh cá nhân của mỗi người.

Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đang tăng cường chỉ đạo các tỉnh thành phố phát hiện sớm các ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt là các chùm ca bệnh, các ca bệnh nặng hay tử vong, lấy bệnh phẩm xét nghiệm xác định căn nguyên, các phân nhóm và biến đổi của các chủng vi rút.

Tú Anh