Vết thương nặng hơn vì rắc bột kháng sinh

Chị Thúy bị ngã, vết thương ở bụng chân tưởng chỉ sơ sài, ai dè sau 3 ngày thì nó tấy đỏ, mưng mủ. Chị nghiến răng chịu đau, nặn sạch mủ, lau khô rồi bẻ đôi viên thuốc ampicillin, lấy bột rắc lên vết thương.

Vết thương nặng hơn vì rắc bột kháng sinh - 1

Hôm sau ngủ dậy, chị Thúy thấy mừng quá vì vết thương có vẻ kín miệng và khô ráo, nhưng đến chiều thì chị thấy đau nhức nhiều lên... Chị Thúy vẫn nghĩ là do mình ngồi một chỗ cả ngày, máu dồn xuống chân nên mới bị đau tức chỗ vết thương như vậy. Sang tới ngày hôm sau nữa thì xuất hiện quầng đỏ lan rộng, sờ vào thấy rất nóng, phía trên bề mặt vết thương khô cứng, nhưng bên trọng lại có vẻ lụng bụng... Chị Thúy còn cảm thấy người gai gai sốt.

Lúc này chị mới ra Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội để khám. Sau khi vệ sinh sạch, tháo mủ, cắt lọc phần hoại tử ở vết thương cho chị, BS. Hoàng Thị Cúc hướng dẫn chị cách vệ sinh vết thương, bôi thuốc tại chỗ và kê đơn uống kháng sinh đường uống cho chị để ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng...

Theo BS. Cúc, khi bị vết thương như vậy, lẽ ra cần thông thoáng để có thể thoát dịch và mủ ra ngoài. Đằng này chị Thúy dùng bột thuốc ampicillin để rắc lên vết thương làm ngăn cản sự thoát dịch. Bởi trong thuốc kháng sinh này, ngoài hoạt chất ra còn có các tá dược nữa, chính các bột tá dược này của viên thuốc đã bịt vết thương lại, khiến cho dịch mủ không thoát được ra ngoài, làm cho vi khuẩn tiếp tục phát triển sâu vào trong gây tình trạng viêm và hoại tử càng nặng hơn. Ngoài ra, việc dùng thuốc ampicillin để điều trị vết thương cũng không đúng, bởi vì không phải vi khuẩn nào cũng bị tiêu diệt bởi ampicillin mà có rất nhiều loại vi khuẩn đã kháng với loại kháng sinh này, nên nếu dùng bừa thì chẳng những không có lợi mà có khi còn có hại như nhiễm khuẩn nặng hơn, có thể vào máu hoặc gây hoại tử lan rộng, để lại sẹo xấu...

Theo Việt Hà

Sức khoẻ & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm