Vết loét ăn mòn toàn bộ thóp mũi

(Dân trí) - Từ một vết loét nhỏ chỉ bằng hạt đậu, các tế bào hoại tử tiếp tục ăn mòn, phá huỷ toàn bộ xương mũi, khiến vùng mũi bệnh nhân giờ chỉ là một hốc sâu đen ngòm, không còn hình thù mũi và bệnh nhân buộc phải thở bằng mồm.

Theo TS Vũ Quang Vinh, Phó Trưởng khoa khoa Phẫu thuật tạo hình, Viện Bỏng quốc gia, trường hợp loét sau xạ trị của bệnh nhân Vũ Văn Lân (30 tuổi ở Nga Sơn, Thanh Hoá) là cực kỳ đặc biệt, nặng nề và chưa bao giờ các bác sĩ gặp phải. Do vết loét ăn sâu, ăn mòn, phá huỷ toàn bộ thóp mũi gây lộ xương ra ngoài trong thời gian quá lâu nên vùng xương ngoài bị hoại tử trầm trọng, mủn đen và bốc mùi.
 
Vết loét ăn mòn toàn bộ thóp mũi - 1
Vết loét phá huỷ toàn bộ thóp mũi của bệnh nhân (Ảnh: H.Hải)

Trước đó, năm 1999 bệnh nhân này được xạ trị điều trị u hạt ở vùng xoang. Mãi 8 năm sau, trên cánh mũi bệnh nhân xuất hiện một vết loét nhỏ bằng hạt đỗ. Dù đắp đủ mọi loại thuốc, lá nhưng vết loét tiếp tục ăn sâu, đến khi phá toàn bộ thóp mũi, gây lộ toàn bộ xương thì bệnh nhân mới tới viện.

Bệnh nhân nhập Viện Bỏng quốc gia giữa tháng 11 vừa rồi. Sau rất nhiều lần hội chẩn trước ca bệnh khó khăn này, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật nạo vét toàn bộ vùng xương mũi hoại tử cho người bệnh. Sau đó lấy một vạt da trên cơ thể, sử dụng kỹ thuật vi phẫu để che phủ toàn bộ vùng xương bị cắt sau nạo vét. Dự kiến, sau khi vết thương ổn định, vùng da mới sống được, bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo hình thóp mũi cho người bệnh.

TS Vinh cho biết thêm, nếu bệnh nhân này không tới viện để điều trị, vết loét hoại tử sẽ tiếp tục ăn mòn vào sâu bên trong, có thể ăn mòn cả dây thần kinh, tấn công lên não. Khi đó, người bệnh sẽ tử vong. "Các vết loét sau xạ trị được điều trị càng sớm càng tốt, tránh để tình trạng quá nặng nề như bệnh nhân trên mới tới viện, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém", TS Vinh nói.

Hồng Hải