1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vệ sinh mũi cũng phải đúng cách

(Dân trí) - Thời gian gần đây, không một tháng nào mà anh Nguyễn Ninh không bị chảy máu cam một lần. Quá sốt ruột, anh mới đi khám bệnh. Bác sĩ đã cẩn thận tiến hành nội soi mũi, xem xét kỹ… nhưng không phát hiện có dấu hiệu bất thường như dị vật, u mũi…

Tưởng sạch lại sinh bệnh

Hỏi kỹ thì bác sĩ mới biết, thời gian gần đây, anh hay dùng nhíp để nhổ những lông mũi tua rua ra ngoài gây mất thẩm mỹ, vướng víu khó chịu. Theo BS, có thể chính thói quen nhổ lông mũi của anh Ninh đã khiến niêm mạc mũi bị tổn thương, gây chảy máu cam. Hơn nữa, niêm mạc mũi rất mỏng, chỉ cần tác động nhỏ cũng có thể khiến các mạch máu trong niêm mạc mũi vỡ, gây chảy máu.

Làm theo lời khuyên của bác sĩ, anh thay đổi thói quen, không dùng nhíp nhổ lông mũi mà chỉ dùng kéo nhỏ cắt tỉa một vài sợi nhô ra ngoài gây mất thẩm mỹ, tình trạng chảy máu cam của anh đã được khắc phục.

Theo BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên phó GĐ BV Nhi T.Ư, nhiều người có thói quen nhổ, cắt nhiều lông mũi, đây là một thói quen xấu, tưởng làm “sạch mũi” hoá ra lại đi “mua bệnh” vào mình.

Vì lông mũi vốn có chức năng ngăn chặn bớt bụi bặm, vi khuẩn, làm ấm không khí khi hít thở, ngăn chặn sự tấn công của các loại bụi, vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp.

Nếu lông mũi bị nhổ hết hay bị cắt tỉa trụi hết, khi hít vào, thở ra, bụi bặm, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập sâu vào trong mũi, gây viêm mũi dị ứng, hắt hơi, sổ mũi… Hơn nữa, việc nhổ lông mũi, cắt tỉa quá sâu bên trong có thể làm tổn thương niêm mạc mũi, gây trầy xước, chảy máu.

Vì thế, không nên cắt, tỉa quá nhiều lông mũi mà chỉ nên loại bỏ những sợi lông “ngo ngoe” ra ngoài bằng cách dùng kéo cắt ngắn bớt.

Đừng ngoáy, chọc tăm bông vào mũi trẻ

BS Nguyễn Văn Lộc cho biết, trẻ em thường có nhiều gỉ mũi, đôi khi cứng rắc rất khó lấy ra. Đáng nói là nhiều bà mẹ không biết cách, cứ thế dùng tăm bông chọc, ngoáy vào sâu trong mũi nhằm khêu gỉ cứng ra, khiến bé đau rát, sợ lấy gỉ mũi, thậm chí, làm gỉ mũi càng thụt sâu vào bên trong.

Hơn nữa, tăm bông thường có lớp bông rất mỏng, trong khi đó, đầu nhựa lại rất cứng. Nếu lấy gỉ mũi bằng tăm bông, không cẩn trọng có thể làm xước niêm mạc mũi bên trong, thậm chí gây chảy máu mũi. Trên thực tế, nhiều cháu bé bị đỏ ứng niêm mạc mũi, rát rất khó chịu do tăm bông cọ vào.

Tuy nhiên, trong thời tiết lạnh, hanh khô như thế này, bé lại càng có nhiều gỉ mũi, bên ngoài thường cứng, trong mềm rất khó lấy. Nếu không tìm cách lấy ra, bé sẽ rất khó chịu, khó thở, thở khò khè với đống gỉ mũi to tướng trong mũi.

Các bà mẹ có thể lấy gỉ mũi cho trẻ bằng cách, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý 0,9% vào mũi bé, để 1 lúc cho gỉ mềm rồi dùng dụng cụ hút mũi, hoặc có thể dùng miệng hút mạnh cho bé. Nhưng lưu ý hút nhanh, hút từng bên mũi một nếu không bé có thể khó thở do bị miệng người lớn bịt kín. Sau khi hút mạnh, gỉ mũi đã ra ngay gần đầu mũi, lúc này chỉ việc lấy đầu khăn xô vê lại như cái kén, thấm nước ẩm để khều ra hoặc có thể dùng tăm bông thấm ẩm khều ra dễ dàng.

Lưu ý là nếu trời lạnh, nên ngâm nước muối trước khi nhỏ cho bé, chỉ ngâm trong nước khoảng 40 - 500C, không nên ngâm quá nóng.

Các bà mẹ nên lấy gỉ mũi cho bé thường xuyên, không nên để vài ba ngày mới lấy một lần, sẽ khiến gỉ mũi cứng lại, càng khó lấy ra hơn.

Ngoài ra, BS Lộc cũng đưa ra lời khuyên, trong thời tiết hanh khô, lạnh giá như hiện nay, cả người lớn và trẻ em đều rất hay mắc bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng. Vì không khí hanh khô khiến mũi bị khô, nghẹt mũi buộc mọi người phải thở bằng miệng, không khí đi qua đường miệng không được “sưởi ấm” nên dễ gây viêm họng.

Vì thế, trong thời tiết này, nên có một chiếc máy nhỏ làm ẩm không khí trong nhà, nhất là vào ban đêm. Máy này có hệ thống tỏa hơi nước, hơi nước sẽ làm không khí trở nên ẩm hơn, dễ chịu hơn. Vào mùa hè, những gia đình dùng điều hoà cũng được khuyên dùng máy làm ẩm không khí, để không khí bớt “khô” sẽ có lợi cho sức khoẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp.

Hồng Hải