Về kỷ lục quá tải bệnh viện ở TPHCM: Sẽ “trả" bệnh nhi về tuyến dưới

(Dân trí) - Bệnh nhi đã ổn định sức khỏe hoặc mắc bệnh mạn tính sẽ được chuyển ngược về tuyến dưới để giảm áp lực quá tải cho tuyến cuối. Đây là một trong những giải pháp Sở Y tế TPHCM chỉ đạo các bệnh viện triển khai, nhằm ứng phó với vấn nạn quá tải kỷ lục hiện nay.

Bệnh viện “đuối sức” vì quá tải

Bất chấp nỗ lực của ngành y tế, tình trạng quá tải bệnh nhi ngày càng trở nên trầm trọng, đến hành lang cũng không còn chỗ nằm. Ngày 9/10 thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố đã họp với các bệnh viện nhi tìm giải pháp tháo gỡ.

3 đến 4 bệnh nhi phải nằm vắt ngang trên 1 giường bệnh
3 đến 4 bệnh nhi phải nằm vắt ngang trên 1 giường bệnh

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, số trẻ nhập viện liên tục tăng, đặc biệt là thời điểm cuối tháng 9 đầu tháng 10. Tình trạng quá tải đã xô đổ mọi kỷ lục khi mỗi ngày Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 tiếp khoảng 15.000 trẻ đến khám và điều trị. Bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú lên tới hơn 4.000 ca.

Trong khi mỗi bệnh viện chỉ có 1.400 giường kế hoạch, số giường còn thiếu ước tính khoảng 1.200 giường. Cả 2 bệnh viện nhi đã phải kê thêm hàng trăm giường chật kín cả phòng và hành lang nhưng vẫn không đủ đáp ứng. Hiện nay, nhiều khoa như Hô hấp, Sốt xuất huyết, Nhiễm… đang “ngập” bệnh nhân.

Đến hành lang cũng không còn chỗ trống
Đến hành lang cũng không còn chỗ trống

“Chúng tôi đã phải làm thêm mái che, tăng cường quạt máy ngoài hành lang kết hợp với tăng bàn khám bệnh, tăng giờ khám bệnh, tăng giường sàng lọc bệnh, y bác sĩ phải làm thông tầm cả ngày cho đến 9h đêm, từ nhân viên cho đến ban giám đốc đang căng mình phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, nhiều loại bệnh như hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết đang gia tăng cùng lúc kết hợp với bệnh ở trẻ sơ sinh đã gây áp lực rất lớn cho việc điều trị", TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, cho hay.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, tình hình cũng tương tự. TS.BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc bệnh viện cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, số bệnh nhi khám, điều trị ngoại trú tại bệnh viện đã tăng 12%, bệnh nhi điều trị nội trú cũng tăng 5%. Dự báo, từ nay đến hết tháng 11 nhiều loại bệnh vẫn ở mức cao. Ngoài các giải pháp tăng bàn khám, tăng bác sĩ cho khoa bệnh quá tải, bệnh viện còn ưu tiên tập trung các xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại khu khám bệnh để đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, sàng lọc bệnh sớm.

Các giải pháp giảm tải

Phân tích của TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế chỉ ra, một số kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng quá tải bệnh nhi xảy ra không đều giữa TPHCM và các tỉnh thành lân cận. Trong khi tuyến cuối quá tải nặng nề thì các bệnh viện địa phương lại khá thảnh thơi. Tại bệnh viện Đa khoa Long An mỗi ngày trung bình chỉ có khoảng 120 bệnh nhi; bệnh viện Đa khoa Tiền Giang có khoảng 500 bệnh nhi; bệnh viện Nhi Đồng, Đồng Nai khoảng 700 bệnh nhi… đến khám và điều trị mỗi ngày.

TS.BS Tăng Chí Thượng (ngồi giữa) chỉ đạo các bệnh viện chuyển ngược bệnh nhân về tuyến cơ sở
TS.BS Tăng Chí Thượng (ngồi giữa) chỉ đạo các bệnh viện chuyển ngược bệnh nhân về tuyến cơ sở

“Điều đó cho thấy, người dân chưa tin tưởng vào năng lực, chất lượng chuyên môn của tuyến dưới nên đổ dồn về tuyến trên. Mặt khác, các tuyến đường giao thông được nâng cấp và mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, người dân chỉ mất vài giờ để đi từ các tỉnh Miền Tây về TPHCM. Khi thực tế mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con, tâm lý chung của phụ huynh muốn tìm giải pháp tốt nhất cho con em mình cũng là điều dễ hiểu.”, TS.BS Tăng Chí Thượng cho hay.

Để đối phó với tình trạng quá tải đang xảy ra, đại diện Sở Y tế đề nghị 2 bệnh viện Nhi tiếp tục xem xét tăng thêm giường bệnh điều trị trong ngày, nhanh chóng hỗ trợ các ca bệnh không cần thiết nhập viện, chuyển sang điều trị ngoại trú. Đặc biệt, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện thực hiện kế hoạch chuyển tuyến bệnh nhi đã điều trị ổn định sức khỏe hoặc bệnh nhi bị bệnh mạn tính ngược lại cho các bệnh viện tuyến dưới để dành giường bệnh và trang thiết bị phục vụ bệnh nhân mới.

Bệnh nhân được chuyển tuyến “ngược” bằng xe cứu thương có bác sĩ, điều dưỡng đi kèm cùng với hồ sơ của toàn bộ quá trình điều trị và lộ trình điều trị tiếp theo để bệnh viện tuyến cơ sở tiếp tục quá trình chăm sóc. Lãnh đạo 2 bệnh viện Nhi đều xác nhận, gần đây đã bắt đầu thực hiện kế hoạch chuyển tuyến ngược bệnh nhi về các bệnh viện cơ sở có đủ trang thiết bị và năng lực để tiếp tục điều trị cho những bệnh nhi không cần thiết phải nằm lại tuyến cuối. Đây là giải pháp hiệu quả giúp tận dụng trang thiết bị và nhân lực của tuyến dưới, đồng thời giảm tải cho tuyến trên.

Người dân và ngành y tế đang chờ đợi bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đi vào hoạt động
Người dân và ngành y tế đang chờ đợi bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đi vào hoạt động

Liên quan đến những giải pháp mang tính dài hơi nhằm hóa giải tình trạng quá tải, TS.BS Chí Thượng đề nghị lãnh đạo 2 bệnh viện nhi tiếp tục phối hợp, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật, luân chuyển bác sĩ về các tỉnh và quận huyện để trực tiếp thăm khám, điều trị cho người dân nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới. Đây được xem là giải pháp hướng đến sự hài lòng của người dân đối với việc khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở, từ đó giảm chuyển tuyến.

Cũng theo thông tin từ TS.BS Tăng Chí Thượng, hiện nay quá trình xây dựng bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố với quy mô 1.000 giường bệnh đang từng bước hoàn thiện. Dự kiến, đến khoảng giữa năm 2016 bệnh viện sẽ hoàn thành công đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, sau khi được cung cấp đẩy đủ trang thiết bị, cuối năm 2016 bệnh viện sẽ chính thức đi vào hoạt động. Ngành y tế thành phố kỳ vọng, sự góp mặt của bệnh viện trên sẽ giải quyết triệt để được tình trạng quá tải bệnh nhi đã kéo dài nhiều năm qua.

Vân Sơn