1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vàng da sơ sinh ở trẻ, coi chừng bệnh lý nguy hiểm

Vân Sơn

(Dân trí) - Sau khi chào đời, bé trai bị vàng da toàn thân, tình trạng diễn tiến ngày càng nặng. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định bệnh nhi bị u gan hiếm gặp nguy cơ chuyển hóa thành ung thư.

Đó là trường hợp bé trai sơ sinh, con bà Nguyễn Thị Th. quê An Giang vừa được bệnh viện địa phương chuyển đến điều trị Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, khi được 32 tuần của thai kỳ, qua siêu âm các bác sĩ đã phát hiện thai nhi có dấu hiệu bất thường ở gan.

Vàng da sơ sinh ở trẻ, coi chừng bệnh lý nguy hiểm - 1
Bệnh nhi bị vàng da toàn thân kéo dài sau sinh được bác sĩ phát hiện có khối u rất lớn ở gan.

Ngày 3/3 bé chào đời với cân nặng 3kg. Ngay sau khi sinh, bé đã bị vàng da toàn thân, tình trạng diễn tiến ngày càng nặng. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, qua thăm khám lâm sàng bác sĩ phát hiện bệnh nhi có khối u chắc, to ở vùng thượng vị lệch về bên trái. Kết quả siêu âm và CT-Scan ghi nhận, gan trái của bệnh nhi có khối u lớn (6 x 7cm) bị vôi hóa, nhánh trái tĩnh mạch cửa xuất hiện huyết khối.  

BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: "Bệnh nhi bị u nguyên bào gan, nghi là u ác tính nằm trọn trên gan trái. Đây là khối u cực hiếm, khoảng 1 triệu trẻ sinh ra chỉ có 1 bé nguy cơ bị khối u này. Đến nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân hình thành dạng bướu trên ở bệnh nhi. Bình thường gan trái nhỏ hơn gan phải nhưng khối u đã khiến gan trái phì đại, nếu không can thiệp sớm khối u sẽ ngày càng lớn, lấn sang gan phải khiến bệnh nhi tử vong".

Vàng da sơ sinh ở trẻ, coi chừng bệnh lý nguy hiểm - 2
Các bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật giúp bệnh nhi tránh nguy cơ tử vong.

Thông thường, bệnh nhi có thể được vào hóa chất, xạ trị, phẫu thuật, can thiệp nội mạch gây tắc các mạch máu nuôi lá gan, các phương pháp này cần có thời gian điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh của bé diễn tiến nhanh, khối u quá lớn nên không thể chờ đợi để điều trị bằng các phương pháp khác. Sau hội chẩn các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật cắt gan trái cho bệnh nhi.

Trẻ sơ sinh gan còn mỏng manh, rất dễ vỡ vô cùng khó khăn trong việc cầm máu nên nguy cơ thất bại luôn ở mức rất cao. Vì vậy, cắt gan ở trẻ sơ sinh là phẫu thuật rất khó, trên thế giới đến nay số ca được can thiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, tại Việt Nam chưa ghi nhận thông tin về trường hợp nào thực hiện phẫu thuật này.

Vàng da sơ sinh ở trẻ, coi chừng bệnh lý nguy hiểm - 3
BS Đào Trung Hiếu cho biết, u gan ở bệnh nhi là dạng rất hiếm gặp có tỷ lệ 1/1.000.000.

Sau 150 phút khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã mở ổ bụng, tiếp cận với khối u gan và cắt thành công khối u cho bệnh nhi. BS Đào Trung Hiếu cho biết, Kết quả giải phẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhi bị u máu nội mô, đây là ranh giới giữa lành tính và ác tính. Sau khi cắt gan, tiên lượng của bệnh nhi rất tốt.

Theo phân tích của các bác sĩ, khác với các cơ quan khác khi cắt đi sẽ mất luôn, gan là bộ phận duy nhất của nội tạng có thể tái sinh trở lại để bù vào phần gan bị mất sau khi cắt. Sau khi mổ không ghi nhận tình trạng suy tế bào gan ở bệnh nhi. Sau gần 2 tuần phẫu thuật, bệnh nhi đã ăn sữa bình thường, các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi để đánh giá nguy cơ tái phát của khối u. Hy vọng thời gian tới bé sẽ có cuộc sống bình thường như những trẻ khác.